Thấm thoát tôi đã dâu được 16 năm. Một hành trình không ngắn nhưng cũng chưa đủ gọi để dài cho cuộc sống bước vào hôn nhân với đầy bỡ ngỡ.

Vợ chồng tôi luôn thu xếp cho các con về quê thăm ông bà.
Tôi sinh ở Bắc nhưng dừng chân tại Biên Hòa - Đồng Nai để sinh sống. Ông xã là người Bắc quê Vĩnh Phúc, bên quân đội, công tác tại nơi gần nhà. Qua thời gian giao lưu thanh niên kết nghĩa, chúng tôi đã về một nhà và tổ chức cưới tại miền Nam. Tôi cũng không thể về thăm quê ông xã trước khi cưới. Bố đã vào Nam tổ chức cho chúng tôi. Vì vậy, tôi hầu như chưa bao giờ hình dung được gia đình chồng như thế nào và bố mẹ chồng ra sao, nên cũng hoang mang lắm.
Ai từng trải qua phút giây đầu gặp gỡ bố mẹ chồng, đều hiểu nhiều chuyện. Tôi cũng không ngoại lệ. Khi tôi về báo hỷ ở quê, gặp mẹ, tôi cũng lo là mình có vừa lòng hay không, hai mẹ con có thuận hòa, hay lại như những câu chuyện mẹ chồng nàng dâu muôn thuở. Nhưng ấn tượng đầu về mẹ thật nhẹ nhàng và cảm thông. Sáng tôi dậy sớm quét sân, mẹ cứ trêu đùa "sân nhà rộng quá mà con ôm cây chổi chắc mệt lắm". Vì hồi đó tôi có 38 kg, cây chổi lá cọ quét sân ở Bắc thì to, nặng mà sân và ngõ ngoài bắc lại dài và rộng để phơi nông sản.
Những ngày báo hỷ ngắn ngủi cũng qua, chúng tôi lại hành trình vào phương Nam xa xôi. Bố mẹ chỉ có ba người con là chồng tôi, anh trai và cô em gái lấy chồng gần nhà. Chồng tôi theo nhiệm vụ công tác và giờ lấy vợ ở Nam. Khi đã làm cha mẹ ai cũng đều chỉ muốn đàn con cháu sum vầy bên cạnh, vậy mà giờ phải chịu cảnh xa con, nên mẹ rất buồn. Tôi nghĩ đã có nhiều đêm mẹ không ngon giấc. Mẹ chưa bao giờ bắt chồng tôi phải về quê hay thu xếp chuyển công tác về gần nhà, mà luôn động viên công tác tốt.
Dâu xa nhưng tôi luôn có cảm giác gần vì hàng tuần tôi và mẹ hay gọi tám đủ mọi chuyện trên trời dưới biển. Tôi luôn cố gắng thu xếp về quê để bên bố mẹ nhiều nhất có thể. Khi tôi sinh cháu, ông bà đều vào chăm và ở chơi. Nếu không về Tết, tôi thu xếp về hè cho con cháu luôn sống trong tình yêu thương của ông bà nội ngoại.
Với nhiều người, dâu xa nên sẽ khó có va chạm và mâu thuẫn, nhưng với tôi thì có xa hay gần cũng tùy vào cư xử của từng người. Bởi mang tiếng ở xa nhưng năm nào tôi cũng về làm dâu cả tháng, sau đó đón bố mẹ vào chơi khi có dịp. Tôi và mẹ chồng lúc nào cũng ríu rít chuyện trò, chăm lo từng chút cho nhau, giữa hai mẹ con không có khoảng cách. Lễ Tết với nhiều người là gánh nặng. còn tôi lại thấy nhẹ nhàng vì chưa khi nào bị áp lực phải mâm nọ cỗ kia. Tôi luôn có mẹ và chồng cùng đồng hành hỗ trợ.
Năm nay bố chồng tôi 81 tuổi còn mẹ 76 tuổi. Tôi vẫn hay nói với ông xã, bố mẹ giờ đếm thời gian chúng ta về thăm trên đầu ngón tay thôi. Một lần gặp thì lại già thêm một tý, mà cuộc đời thì ai biết trước ngày mai. Mẹ già như chuối chín cây... thôi thì có khó khăn tiền bạc, chúng ta còn khỏe còn làm ra được, bố mẹ còn là hạnh phúc mà không dễ gì nhiều người có. Sau này lỡ có chuyện gì với bố mẹ thì nhiều tiền bạc cũng không thể mua lại được thời gian, sức khỏe bố mẹ như lúc này.
Niềm vui và hạnh phúc nhất trong lòng mỗi người và riêng tôi đó là cả gia đình được quây quần bên mâm cơm cuối năm, trong không khí rộn ràng mùa xuân và tiết trời se lạnh của xuân miền Bắc. Mẹ vẫn nghĩ năm nay chúng tôi không về vì đã về Tết và hè rồi. Mẹ lo chúng tôi tốn kém. Tô nghe được tiếng thở dài nhè nhẹ của mẹ trong điện thoại khi tôi hỏi Tết đã đến gần. Tôi thầm nhủ sẽ làm cho mẹ bất ngờ vì năm nay gia đình vẫn sẽ về ăn Tết với bố mẹ. Lúc đó mẹ chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên và hạnh phúc lắm. Tôi cứ nghĩ đến phút giây đó là lại thấy lâng lâng. Tôi luôn cầu chúc cho bố mẹ mạnh khỏe để chúng tôi còn có thể về bên người mẹ bao lâu nay tôi trân quý. Tôi hạnh phúc khi làm dâu của mẹ!
Thịnh Thị Lan
Từ ngày 3 đến 30/10, độc giả chia sẻ về người phụ nữ bạn luôn yêu thương và trân trọng nhất, hoặc tham gia bằng cách viết về chính mình nếu bạn có một câu chuyện truyền cảm hứng muốn lan tỏa đến những người xung quanh, để có cơ hội nhận bộ trang sức PNJ. Độc giả gửi bài tham gia cuộc thi dưới dạng bài viết trong khoảng 500 - 1.000 từ có dấu, font Unicode, kèm theo ít nhất 1-3 hình ảnh minh họa là nhân vật người phụ nữ được nói đến trong bài.