Geely - từ vị trí thứ 12 doanh số toàn cầu hồi quý I/2023 - đã vượt qua hai hãng xe Đức là BMW và Mercedes để chiếm vị trí thứ 10 xếp hạng quý I năm nay. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số của hãng Trung Quốc tăng 27%.
Ngoài Geely trong top 10, Trung Quốc có một số hãng khác trong top 20, gồm BYD, Changan, Chery và SAIC. Bảng xếp hạng doanh số toàn cầu được thu thập từ các hãng và từ nhà cung cấp dữ liệu MarkLines.
Với kỳ nghỉ lễ kéo dài trong quý I, các hãng xe Trung Quốc có ít ngày hơn để tăng doanh số và có xu hướng thể hiện kém hơn các đối thủ trên toàn cầu. Nhưng trong 3 tháng đầu năm, 5 hãng xe Trung Quốc trong top 20 ghi nhận doanh số kết hợp tăng hơn 20%. Tăng trưởng doanh số của top 20 là 2%.
Với Geely, thương hiệu con Zeekr chuyên xe điện thể hiện ấn tượng, với doanh số của dòng xe năng lượng mới tăng hơn gấp đôi. Volvo - cũng dưới trướng Geely - tăng 12%.
BYD bán được 620.000 xe trong quý I, tăng 13%, với xe điện chiếm 300.000 xe, sau Tesla với 380.000 xe.
Doanh số xe xuất khẩu tăng trưởng với các hãng Trung Quốc. Trong đó, doanh số của Geely ở thị trường nước ngoài tăng 43%. Còn BYD cũng tăng tốc xuất khẩu sang châu Âu và Đông Nam Á, với doanh số ở nước ngoài tăng 150%, đạt 98.000 xe.
Xe thuần điện và xe điện hóa (như hybrid sạc điện) chiếm hơn 32% doanh số quý I tại thị trường Trung Quốc. Nhưng cạnh tranh rất căng thẳng, khi BYD là làm một vòng giảm giá trước khi những hãng xe khác cũng bắt chước. Kết quả là giá xe điện gần bằng xe động cơ đốt trong.
Thị trường xe điện Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy sự dư thừa cung ứng. Xe điện và sản lượng liên quan trong 2025 sẽ đạt 36 triệu xe, theo các kế hoạch từ các hãng xe cũng như chính quyền địa phương. Doanh số tại quốc gia này dự kiến đạt 17 triệu xe trong 2025, tạo ra khoảng cách lớn giữa cung và cầu.
Các hãng xe Trung Quốc tăng cường việc nghiên cứu phát triển ở các thị trường nước ngoài. Xuất khẩu xe năng lượng mới tăng 78%, đạt 1,2 triệu xe trong 2023. Con số trong 2025 dự kiến đạt 3,5 triệu xe.
Khi Trung Quốc xuất khẩu số hàng dư thừa ở mức giá thấp, Mỹ và các quốc gia châu Âu, ngày càng lo ngại về cuộc cạnh tranh bất bình đẳng trong ngành công nghiệp ôtô cũng như nguy cơ thất nghiệp. Việc Mỹ áp thuế hơn 100% lên xe điện Trung Quốc là một sự phản kháng.
Các hãng xe Trung Quốc cũng đang mở rộng xuất khẩu sang Nga, Trung và Nam Phi. Nga là điểm đến xuất khẩu hàng đầu trong quý I, tiếp theo là Mexco, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM). Các quốc gia Trung Đông, như UAE, cũng nằm trong các thị trường xuất khẩu quan trọng.
Toyota đứng đầu bảng xếp hàng doanh số toàn cầu trong quý I, với 2,52 xe, giảm 5%, trong khi Volkswagen đứng thứ 2 với 2,1 xe, tăng 3%. Đứng thứ 3 là Hyundai, gồm cả Kia, với doanh số giảm 2%, đạt 1,76 triệu xe.
Mỹ Anh (theo Nikkei Asia)