Theo bà Nguyễn Vũ Thanh Thảo, đại diện nhà phân phối môtô BMW Motorrad tại Việt Nam, kể từ tháng 1, khách hàng mua xe từ các nhà nhập khẩu bên ngoài, nếu muốn thực hiện các dịch vụ bảo dưỡng sẽ phải mua gói dịch vụ ban đầu từ 88 triệu đến 110 triệu tùy theo chủng loại xe.
"Để đảm bảo chất lượng toàn cầu BMW, chúng tôi phải bỏ tiền đầu tư trang bị tiêu chuẩn, bản quyền phần mềm", bà Thảo lý giải việc thu phí các loại xe không chính hãng. Tuy nhiên, với những loại có mặt trên thị trường trước tháng 1/2015 sẽ đều được hưởng chế độ bảo hành sửa chữa theo quy định của tập đoàn.
Khác với BMW, KTM Việt Nam thì từ chối hoàn toàn việc bảo hành, sửa chữa với những xe có nguồn gốc xuất xứ dành cho thị trường Ấn Độ được nhập về Việt Nam.
Lê Đức Thuận, phụ trách bán hàng KTM Việt Nam cho biết, tập đoàn KTM từ Áo cho phép từ chối làm dịch vụ bảo hành, dịch vụ sau bán hàng của tất cả các sản phẩm môtô phân khối lớn không phải do nhà phân phối này bán ra tại Việt Nam. KTM dành cho thị trường Ấn Độ có tiêu chuẩn khác so với các sản phẩm cũng sản xuất tại đây và xuất khẩu, nên hãng mẹ tại Áo không chịu trách nhiệm đối với việc bảo hành sửa chữa sản phẩm này ngoài thị trường Ấn Độ.
Mới đây, Kawasaki Việt Nam cũng được hãng mẹ tại Nhật Bản đề nghị dừng thực hiện chế độ sửa chữa dịch vụ đối với những xe không phân phối chính hãng. Theo đại diện của Max Moto, đơn vị phân phối Kawasaki trước đây vẫn thực hiện các dịch vụ cho xe nhập trước thời gian hãng có mặt, thì nay bắt đầu siết chặt việc cung cấp phụ tùng, chỉ đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các xe bán ra chính hãng với số VIN tương ứng.
Khi bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam, Harley-Davidson cũng áp dụng chế độ miễn phí đăng ký dịch vụ hậu mãi cho xe nhập trước 30/11/2013. Nhưng xe không chính hãng nhập sau đó phải mua gói dịch vụ 40 triệu đồng. Mức phí ban đầu tương đương 5% giá bán tại Việt Nam.
Anh Thanh Phương, người chơi xe phân khối lớn lâu năm ở Sài Gòn cho rằng các đơn vị chính hãng đảm nhiệm phần dịch vụ sau bán hàng tạo nhiều thuận lợi. Từng trải qua khó khăn khi muốn sửa xe "đổ bệnh" nên sự xuất hiện các nhà phân phối ở Việt Nam với anh ở cơ hội bảo vệ tài sản tốt hơn. Bởi dù sao, trình độ của thợ ngoài, cũng như phương tiện kỹ thuật đều chưa đáp ứng.
Còn theo ông chủ Tín Motor tại quận Bình Tân, anh đã từ chối khá nhiều dòng phân khối lớn đời mới, sử dụng hệ thống điều khiển điện tử ECU, do không có thiết bị chuyên dụng.
"ECU kiểm soát chi tiết tới từng mạch điện, bóng đèn, lượng xăng, gió đưa vào buồng đốt. Chỉ cần thay lọc gió mới, hay bóng đèn khác công suất với nhận diện xe báo lỗi liền", anh cho biết thêm.
Trong trường hợp không có các thiết bị, phần mềm chuyên dụng khi sửa xe ở bên ngoài dễ dẫn đến tình trạng hỏng xe hoặc vận hành không ổn định.
Dẫu vậy, những trạm sửa xe riêng lẻ vẫn có đất sống khi có thể sửa với chi phí thấp, ít phải thay thế phụ tùng hơn so với chính hãng.
Đức Quang