Sáng 19/5, khi tìm kiếm địa chỉ các cửa hàng chính hãng của Yadea Việt Nam tại website: https://www.yadea.com.vn/, nhiều khách hàng cho biết thông tin các cửa hàng và bản đồ không hiển thị. Tuy nhiên, người dùng ở nước ngoài vẫn xem được bản đồ này, nhưng tên của hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa lại hiển thị bằng tiếng Trung Quốc, dịch là Tây Sa và Nam Sa.
Tây Sa và Nam Sa là hai tên gọi mà Trung Quốc sử dụng cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Việc Yadea, một hãng xe Trung Quốc kinh doanh tại Việt Nam nhưng sử dụng bản đồ hiển thị tên hai quần đảo của Việt Nam bằng tên gọi và thể hiện chủ quyền của Trung Quốc, khiến nhiều người bức xúc.
"Không hiểu sao kinh doanh tại Việt Nam nhưng Yadea lại không hiểu rõ và tuân thủ quy định của Chính phủ Việt Nam", Bảo Lâm (TP HCM) cho biết. "Hiển thị tên hai quần đảo sai như vậy rất dễ khiến khách hàng có cái nhìn không tốt với hãng".
Một chuyên gia công nghệ cho biết, việc chặn các nhà mạng tại Việt Nam để khách hàng trong nước không xem được thông tin là cách làm phổ biến. Nhưng cách làm này sẽ khiến người dùng ở nước ngoài hiểu sai về bản chất thông tin. Chuyên gia cho rằng, nếu hệ thống bản đồ nhúng vào website không đảm bảo tuân thủ pháp luật của nước sở tại, không có lý do nào để hãng vẫn sử dụng.
Đại diện truyền thông của Yadea Việt Nam cho biết, hãng đã tiếp nhận thông tin và đang họp bàn để có phản hồi sớm nhất về vấn đề này.
Đến trưa 19/5, đường dẫn đến mục danh sách các cửa hàng của website Yadea Việt Nam không thể truy cập. Ngay cả truy cập từ nước ngoài cũng hiện 404. Trước đó, mục này vẫn hiện ô tìm cửa hàng, nhưng không thao tác được cũng như không hiện thông tin gì khác.
Trước Yadea, thông tin vi phạm chủ quyền Việt Nam từng xuất hiện trên một số sản phẩm ôtô xuất xứ Trung Quốc. Hồi tháng 10/2019, tại triển lãm Ôtô Việt Nam 2019, khách tham quan phát hiện chiếc Volkswagen Touareg trưng bày có bản đồ đường lưỡi bò trong ứng dụng điều hướng. Hãng Đức xác nhận đây là sơ suất khi không kiểm tra kỹ trước khi mang xe đến triển lãm.
Mẫu xe trưng bày tại triển lãm năm đó được Volkswagen Việt Nam đặt hàng hãng mẹ Volkswagen AG tại Đức theo diện tạm nhập tái xuất. Volkswagen AG sau đó chỉ định cho đại lý Việt Nam nhập chiếc Touareg từ Trung Quốc và dẫn đến sự việc nêu trên.
Cơ quan chức năng sau đó xử phạt công ty TNHH ôtô Thế giới 40-60 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 6-9 tháng vì hành vi nhập khẩu chiếc Touareg có bản đồ chứa đường lưỡi bò. Còn công ty TNHH ôtô Volkswagen Việt Nam bị phạt 20-40 triệu đồng vì trưng bày chiếc Touareg tại triển lãm do lỗi nêu trên.
Trước đó, nhiều mẫu xe Trung Quốc như Zotye, BAIC do công ty Kylin nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có tình trạng tương tự. Nguyên nhân là các xe này sản xuất tại Trung Quốc và đều được cài phần mềm ứng dụng bản đồ định vị vệ tinh trên trang Web Navigation.
Tuy vậy, do khác hệ thống định vị vệ tinh và không có dữ liệu về giao thông tại Việt Nam nên phần mềm nói trên không hoạt động được, mà chỉ hiện thị hình nền bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò. Doanh nghiệp sau đó cam kết nâng cấp phần mềm để hủy bỏ chi tiết này trong phần Navigation.
Thành Nhạn