"Doanh số của thị trường Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 800.000 xe trong khoảng 5 năm nữa. Mục tiêu 100.000 xe/năm của SAIC có thể lọt top 3 thị trường", ông Trần Nam Thắng, giám đốc kinh doanh và marketing SAIC Việt Nam nói với VnExpress tại sự kiện ra mắt công ty này hôm 12/6.
SAIC Việt Nam trực thuộc SAIC Motor (Tập đoàn công nghiệp ôtô Thượng Hải), sẽ trực tiếp phân phối xe MG (Morris Garages) tại thị trường Việt, từ 1/7. Trước đó, SAIC để đối tác Tanchong (Malaysia) giữ quyền nhập khẩu và phân phối MG từ tháng 7/2020. MG là thương hiệu xe Anh thuộc sở hữu của SAIC. Các xe bán ở Việt Nam trước đây nhập khẩu từ Trung Quốc, hiện nhập từ Thái Lan.
Con số 100.000 xe/năm có thể xem là mục tiêu táo bạo của hãng xe Trung Quốc. Tính đến 2022, hãng bán nhiều xe nhất thị trường là Toyota với hơn 91.000 xe, xếp sau là Hyundai với hơn 81.000 xe. Kia là hãng bán nhiều thứ ba với hơn 60.000 chiếc.
Đại diện SAIC Việt Nam cho biết, hãng sẽ đẩy mạnh thương hiệu MG, đa dạng hóa sản phẩm, kết hợp kinh doanh mảng xe xăng lẫn xe điện.
Năm 2022, nguồn tin của VnExpress từ số liệu đăng ký xe cả mới lẫn cũ, khoảng hơn 4.300 xe MG có chủ. Như vậy, nếu chỉ bán MG, để đạt được 100.000 xe trong 5 năm tới, tức doanh số phải tăng khoảng 25 lần, trong khi dung lượng toàn thị trường tăng khoảng 1,6 lần từ 500.000 lên 800.000 xe, theo đánh giá của chính hãng này. Theo các chuyên gia, chỉ một mình MG, dù tăng trưởng nhanh đến mấy thì gấp 25 lần là điều không tưởng, vì thế hãng sẽ phải phân phối thêm những thương hiệu khác, giống cách Thaco đang làm ở Việt Nam.
"Kế hoạch xây nhà máy tại Việt Nam sẽ góp sức cho mục tiêu đầy thách thức về doanh số", ông Nam Thắng nói thêm. "Chưa kể hãng mẹ SAIC sở hữu nhiều thương hiệu và khả năng phát triển sản phẩm nhanh, từ đó đáp ứng đa dạng nhu cầu từ thị trường".
Theo ông Thắng, định hướng xây dựng nhà máy của SAIC nằm ở phía bắc. Dự án dự kiến triển khai vào 2024 và hoàn thiện vào 2025. Hãng sẽ bán các sản phẩm CKD lẫn CBU (nhập từ Thái Lan, Trung Quốc). Đầu ra của nhà máy này sẽ không chỉ phục vụ thị trường nội địa, mà còn tiến tới xuất khẩu, đặc biệt các thị trường Đông Nam Á, nơi được miễn thuế nhập khẩu nếu hãng đáp ứng tỷ lệ nội địa hoá sản xuất từ 40% trở lên.
Sau BYD và Chery, SAIC là hãng xe Trung Quốc thứ ba đánh tiếng muốn xây nhà máy ở Việt Nam. Trong khoảng 3 năm qua, làn sóng xe Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều.
Chery dự kiến bán các sản phẩm đầu tiên vào cuối 2023. Tương tự là Haima, hãng thuộc sở hữu của tập đoàn FAW, thương hiệu cũng đang bán xe Hongqi (Hồng Kỳ) ở Việt Nam. Trong quý III, mẫu xe điện cỡ nhỏ Wuling Hongguang Mini EV sản xuất trong nước dự kiến sẽ bán ra thị trường. Hongguang Mini EV là mẫu xe của SGMW, liên doanh gồm các hãng GM (General Motors) - SAIC - Wuling.
Với riêng SAIC, đây là tập đoàn ôtô lớn nhất Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Doanh số của hãng trong 2022 đạt khoảng 5,3 triệu xe, dẫn đầu thị trường đông dân nhất thế giới suốt 17 năm và thuộc top 10 hãng xe có lượng bán nhiều nhất toàn cầu.
Công ty hiện sản xuất và bán các thương hiệu ôtô thuộc sở hữu tập đoàn như Feifan, IM, Maxus, MG, Roewe, Baojun (liên doanh SGMW), Wuling (liên doanh SGMW), cũng như các liên doanh với hãng nước ngoài như SAIC-Volkswagen (Volkswagen, Skoda, Audi), SAIC-General Motors (Buick, Chevrolet, Cadillac)... Tính số lượng sở hữu và liên doanh, SAIC có tổng 18 thương hiệu ôtô cung cấp xe ra thị trường.
Thành Nhạn