Vào một ngày đẹp trời mùa thu, cháu đang chuẩn bị váy áo để đến trường thì kêu ngứa ở chân, tay. Tôi cẩn thận kiểm tra thì thấy từng mảng da cháu ửng đỏ ở kheo chân và tay, triệu chứng giống như bị dị ứng.
Tôi nhớ rằng cháu đang không uống một loại thuốc nào cả. Để loại trừ vấn đề thuốc tôi quay sang hỏi vợ, em có cho con uống thuốc gì không. Nàng nói, em đang cho con uống multi vitamin vì thấy con lười ăn quá.
Tôi nhìn chai thuốc toàn tiếng Đức và hỏi nàng cho con uống bao nhiêu ml, nàng nói "người ta bảo" 10ml. Con gái đi học rồi mà tôi chả thấy yên tâm chút nào, may có anh bạn biết tiếng Đức tôi liền chụp ảnh gửi anh dịch giúp. Anh nói theo chỉ dẫn tuổi của cháu uống 1 thìa cà phê tức khoảng 4 đến 5ml. Vợ tôi đã cho cháu uống gấp đôi so với chỉ dẫn. Chúng tôi lập tức ngừng không cho cháu uống nữa, hai hôm sau thì cháu khỏi ngứa.
Thuốc multi vitamin chỉ là một trong hàng ngàn mặt hàng đang được mang vào Việt Nam dưới dạng tiểu ngạch, không chính thức với cái tên mỹ miều "Hàng xách tay". Con gái tôi cũng chỉ là một trong số hàng ngàn nạn nhân của loại hàng hoá trên.
Hàng xách tay có nghĩa là không phân phối và bảo hành chính hãng, không hướng dẫn sử dụng chính xác, rất nhiều khi còn không hoá đơn, không chứng từ minh bạch. "Hàng xách tay" rất phong phú, đa dạng từ hàng thời trang, phụ kiện đến mỹ phẩm, đồ làm đẹp, từ hàng tiêu dùng đến thực phẩm, thuốc men, từ điện thoại đến đồ điện tử, phụ kiện ôtô.
Có một đặc điểm chung là các sản phẩm nói trên đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không đảm bảo, đôi khi hên xui, may thì được sản phẩm tốt, không may thì gặp sản phẩm tồi. Vậy thì tại sao người ta vẫn ham "Hàng xách tay" và nó vẫn có đất sống? Chỉ đơn giản là vì nó rẻ hơn hàng chính hãng và đôi khi là hàng mà thị trường Việt không có.
Đối với nhóm hàng tiêu dùng, hàng xách tay rộng khắp từ sản phẩm nhà bếp, dụng cụ nấu ăn cho đến đồ trang trí trong gia đình. Nhưng ai đảm bảo cho chúng ta rằng trong mỗi bình đựng nước không có kim loại nặng, trong mỗi sản phẩm sứ hàm lượng chì nằm trong phạm vi cho phép hay mỗi đồ trang trí vật liệu không có thành phần gây ung thư: dù đến từ các quốc gia được tiếng là "phát triển" nhưng ai biết chúng thậm chí có phải lô hàng được phép lưu hành ở quốc gia đó hay không?
Trong khi các nhà nhập khẩu chính hãng đều phải đăng ký chất lượng, nộp các tài liệu cần thiết bao gồm thành phần, cấu tạo của sản phẩm, nộp sản phẩm mẫu để phân tích nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng thì "Hàng xách tay" cứ thế mà vô tư lưu hành trên thị trường, khỏi cần giấy phép, sự đảm bảo có chăng chỉ đi ra từ miệng người bán.
Với nhóm hàng thời trang thì "Hàng xách tay" phổ biến là hàng sales của các thương hiệu đã có tên tuổi xen lẫn với hàng nhái và hàng do những nhóm người Việt ăn cắp tại các nước phát triển. Đã có rất nhiều nhóm người Việt tại Singapore, Đài Loan bị bắt vì ăn cắp có tổ chức, đặc biệt ở Nhật Bản, người ta còn có hẳn những biển hiệu bằng tiếng Việt cảnh báo có camera giám sát và ăn cắp sẽ bị phạt nặng. Chúng ta khi đi du lịch xứ người, hổ thẹn nhìn thấy những tấm biển cảnh báo viết hẳn bằng tiếng Việt vì đang tiếp tay cho những hình thức kinh doanh như thế.
Hàng thời trang xách tay nói riêng và "Hàng xách tay" nói chung rẻ còn vì chúng không phải trả thuế. Bằng cách này hay cách khác người ta tìm đủ mọi cách để lách và không đóng các loại thuế từ nhập khẩu đến thu nhập doanh nghiệp. Nhưng hỡi ôi... tất cả các dịch vụ công, cơ sở hạ tầng, an ninh, quốc phòng... đều dựa trên nguồn ngân sách ấy mà ra cả, hãy thử tưởng tượng xem nếu tất cả chúng ta đều không đóng thuế thì chính phủ sẽ vận hành ra sao và đất nước chúng ta sẽ như thế nào.
Đối với nhóm hàng mỹ phẩm thuốc men thì "Hàng xách tay" mang đến hệ luỵ đặc biệt nghiêm trọng. Nhóm hàng này yêu cầu phải có chỉ dẫn thật cụ thể chính xác. Nhưng hầu hết tất cả các sản phẩm đều chỉ có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng bản địa, nếu được tiếng Anh thì đã là tốt, đôi khi các hướng dẫn sử dụng lại chỉ có các thứ tiếng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, tiếng Nga, Đức, hay những ngôn ngữ kém phổ thông hơn làm cho việc sử dụng khó khăn, không chính xác.
Ngoài ra nhóm sản phẩm này rất thường xuyên phải có giấy phép của Bộ Y tế nhằm theo dõi kiểm tra những thành phần có trong mỹ phẩm, thuốc men, sản phẩm bổ trợ có phù hợp với sức khỏe con người không có các thành phần cấm hay không. Đương nhiên là "Hàng xách tay" thì không có giấy phép gì cả, không có đảm bảo của nhà chức trách về chất lượng và cũng không có theo dõi những ảnh hưởng trên sức khỏe con người mà cứ vô tư thông thương trên thị trường.
Đó còn chưa kể hàng giả và hàng nhái, những sản phẩm mỹ phẩm có tiếng và đang được ưa chuộng trên thị trường được làm giả từ Trung Quốc và phân phối tại Việt Nam với giá chỉ bằng một phần tư một phần năm giá chính hãng. Các cơ quan chức trách đã bắt hàng chục vụ nhập lậu hàng giả thu hàng chục ngàn sản phẩm và khởi tố nhiều đối tượng.
Có rất nhiều lần tôi tranh cãi kịch liệt với vợ khi nhìn thấy nàng đắp lên mặt thứ mặt nạ gọi là "để trẻ hóa làn da" mà hướng dẫn sử dụng của nó chỉ bằng tiếng Hàn Quốc. Không có một manh mối nào cho ta biết phải sử dụng ra sao cho đúng cách và đương nhiên cũng không thể biết được thành phần của nó làm từ gì có đáp ứng được tiêu chuẩn của bộ Y tế hay không.
Lần khác thì có người bạn phàn nàn rằng bạn mua một cặp dầu gội đầu của một hãng nổi tiếng mà chỉ gội hết phân nửa đã hết sạch mùi thơm. Hỏi kỹ ra mới biết bạn mua sản phẩm đó từ một tài khoản trên mạng xã hội với giá chỉ bằng một phần ba giá chính hãng. Đương nhiên bạn đã mua phải sản phẩm hàng nhái kém chất lượng.
Có rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo rằng sản xuất riêng cho thị trường nội địa nước này hay nước kia có chất lượng rất tốt mà không có ở Việt Nam nên họ giới thiệu thuyết phục người tiêu dùng nên mua về dùng. Thực chất đối với mỗi thị trường nhà sản xuất đều tính tới các yêu tố như môi trường, con người, thói quen tiêu dùng, các đặc điểm như làn da, mái tóc, độ ẩm, độ ô nhiễm môi trường để sản xuất ra các sản phẩm phù hợp.
Vì thế chưa chắc một sản phẩm nội địa rất tốt ở châu Âu mà mang về Việt Nam dùng lại phù hợp vì tính chất làn da, mái tóc hay thói quen tiêu dùng ngay đến cả độ ẩm, độ ô nhiễm của Việt Nam so với châu Âu là hoàn toàn khác biệt.
Đối với nhóm điện thoại và hàng điện tử thì việc mua lại các sản phẩm đã qua sử dụng, dựng lại và bán ở thị trường Việt Nam với giá rẻ hơn hẳn giá chính hãng là rất phổ biến. Vì thế người mua chỉ biết dựa trên tính hên xui. Bản thân tôi đã có lần mua một chiếc điện thoại nhập khẩu không chính hãng, sau sáu tháng sử dụng thì nó chạy bắt đầu chậm và hay treo máy, sau vài lần mang lại cửa hàng sửa mà không có kết quả tôi đành bỏ để mua một chiếc điện thoại khác nhập khẩu chính hãng.
Khi đồng ý mua "Hàng xách tay" có nghĩa là bạn đồng ý bước chân vào một thỏa thuận thương mại mà bạn hoàn toàn ở vào vị trí bất lợi khi không có bất kỳ một sự đảm bảo nào cho mình về chất lượng hàng hóa, hướng dẫn sử dụng, bảo hành bảo trì sau khi mua, đảm bảo về độ thật, giả và xuất xứ nguồn gốc của món hàng.
Khi có bất kỳ một hậu quả nào xảy ra thì thường là người bán sẽ lặn mất tăm hoặc phủi tay, thoái thác trách nhiệm và bạn ở lại chịu trận. Điều duy nhất bạn được đổi lại đó là mua được một món hàng với giá rẻ. Nhưng như vậy liệu có xứng đáng hay không?
Tôi biết có những người sẵn sàng trả lời là "có xứng đáng". Đó là lựa chọn của bạn. Nhưng tôi biết có những người chưa từng tự hỏi câu hỏi đó, mà chỉ đi theo một thông lệ xấu của thị trường.
Phạm Vũ Tùng