Ngày 2/1, tờ New York Times đăng bài điều tra "Thiên thần trong địa ngục: Văn hóa coi thường phụ nữ tại Victoria's Secret", phỏng vấn hơn 30 nhân viên và người mẫu từng làm việc cho hãng nội y nổi tiếng. Bài viết cho biết Ed Razek, giám đốc L Brands - công ty chủ quản của hãng nội y Victoria's Secret - bị nhiều người tố cáo có hành vi không đúng mực với nhiều đồng nghiệp nữ. "Anh ta từng thử hôn người mẫu, yêu cầu họ ngồi lên đùi. Ed từng chạm vào đáy quần lót một người mẫu trước buổi diễn", nguồn tin nói.
Bốn đồng nghiệp tiết lộ Ed Razek khen Bella Hadid có bộ ngực hoàn hảo và tự hỏi liệu đài truyền hình có cho phép cô khoe ngực trên sóng trong buổi tổng duyệt show diễn năm 2018. Người mẫu Andi Muise tố cáo bị Ed cắt suất diễn năm đó vì từ chối hôn và làm người tình của ông. Một số người mẫu cho biết Ed xin số điện thoại khi các cô đang thử nội y, liên tục bị gạ gẫm đi ăn tối, du lịch.
Tháng 10/2019, Monica Mitro - một nhân viên cấp cao của công ty - gửi đơn lên hội đồng quản trị về việc bị Ed Razek quấy rối. Cô sau đó bị công ty cho nghỉ việc và nhận một khoản bồi thường theo thỏa thuận. Trước đó vào năm 2015, Crowe Taylor - một nhân viên quan hệ công chúng của công ty - phản ánh lên phòng nhân sự bị Ed chê béo trước các đồng nghiệp. Tuy nhiên, lá đơn của cô không được phản hồi, Crowe nghỉ việc một tuần sau đó.
Đại diện của Ed Razek phủ nhận các cáo buộc với NY Times, cho rằng các thông tin tố cáo sai sự thật, xuyên tạc hoặc được nhắc không đúng ngữ cảnh. Ed xin nghỉ việc tại L Brands từ tháng 8/2019.
Theo NY Times, Leslie Wexner - chủ tịch L Brands - là người "chống lưng" cho các hành vi của Ed Razek. Ông bị cáo buộc có dính líu tới scandal sex của tỷ phú Jeffrey Epstein - người đứng đầu đường dây môi giới các cô gái tuổi vị thành niên bán dâm gây chấn động nước Mỹ. Các người mẫu trả lời phỏng vấn NY Times cho biết Jeffrey lừa một số phụ nữ vào đường dây và hứa giúp họ trở thành một "thiên thần" của Victoria's Secret. Ông Leslie từ chối phản hồi các cáo buộc này.
Một nhân vật khác được nhắc đến trong bài điều tra là nhiếp ảnh gia Russell James. Anh là bạn thân của Ed Razek - thường được Victoria's Secret mời hợp tác với mức lương khoảng 10.000 USD một ngày. Nhiếp ảnh gia được cho là thường gạ gẫm các người mẫu của hãng chụp thêm ảnh khỏa thân, sau đó bán các bộ ảnh này với giá từ 1.800 đến 3.600 USD. Victoria's Secret từng sử dụng một số tấm hình này để quảng cáo tại các cửa hàng ở Los Angeles (Mỹ) mà không được sự cho phép của các người mẫu. Chỉ khi nhận đơn khiếu nại, hãng mới gỡ các bức ảnh.
Russell cho biết các người mẫu cho phép anh sử dụng và bán ảnh khỏa thân của họ. Ảnh cũng được bán công khai trên website của Russell từ năm 2014. Anh phủ nhận việc gạ gẫm các mẫu nữ chụp nude để giúp họ được chọn làm "thiên thần" cho Victoria's Secret.
Victoria's Secret vướng nhiều lùm xùm về coi thường phụ nữ trong những năm gần đây, đứng trước tin đồn đang rao bán công ty. Dù vẫn là hãng bán lẻ đồ lót thống trị tại Mỹ năm 2018, doanh thu của hãng liên tục giảm và không có dấu hiệu phục hồi từ năm 2015. Trong khi đó, doanh thu của các thương hiệu đồ lót trực tuyến đang tăng lên. Theo BI, Victoria's Secret đang bị các hãng bán lẻ Adore Me (Mỹ) từng bước giành thị phần nhờ các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội.
Roy Raymond thành lập Victoria’s Secret vào thập niên 1970. Tuy nhiên, thương hiệu này chỉ phất lên sau khi được CEO L Brands - Leslie Wexner mua lại năm 1982. Năm 2001, hãng mang đồ lót của mình từ cửa hàng lên các sàn diễn thời trang trên sóng truyền hình qua Victoria's Secret Fashion Show. Sự kiện từng được chú ý bậc nhất trong ngành thời trang, với giá vé hàng chục nghìn USD. Tháng 11/2019, L Brands thông báo ngừng tổ chức các buổi trình diễn áo tắm thường niên, dựa trên chiến lược tiếp thị mới của hãng cùng hiệu quả kém của các chương trình gần đây.
Đạt Phan (theo NY Times)