Khoảng 10 ngày qua, tuyến đường vài chục km lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chứng kiến cảnh dồn ứ của hàng nghìn lượt xe tải. Phần lớn trong số này chuyên chở dưa hấu sau vụ thu hoạch, dồn về cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, mỗi ngày, phía Trung Quốc chỉ tiếp nhận thông quan 300 xe như thường lệ. Lúc cao điểm, tình trạng "thắt nút cổ chai" này khiến hơn 1.000 xe ùn ứ trên đường lên cửa khẩu. Thời gian chờ đợi dài khiến nhiều hàng hóa bị hỏng vỡ nát, vứt la liệt hoặc phải bán rẻ suốt dọc tuyến đường. Trên một chiếc xe tải vừa trở về sau khi được thông quan, tình hình cũng không mấy sáng sủa khi bị thương lái Trung Quốc ép giá, từ chối mua khá nhiều. Chủ xe cho biết tiền hàng khoảng 100-130 triệu đồng, cộng với chi phí vận chuyển 80-100 triệu cho xe 30 tấn. Nhưng khi sang đến Trung Quốc, cùng lắm thương lái chỉ bán được nửa xe, với giá khoảng 5.000 đồng một kg nên họ cầm chắc khoản lỗ cả trăm triệu đồng. Để vớt vát, nhiều chủ hàng đành quay lại Việt Nam bán rẻ, với giá khoảng 5.000-7.000 đồng một quả, nếu dưa chưa thối, dập nát hay chảy nước... Anh Trần Văn Màu, 37 tuổi - chủ một xe dưa từ Bình Định, ngán ngẩm nhìn công nhân dỡ hàng trên xe xuống. Xe tải chở hơn 20 tấn dưa hấu của anh lên tới Lạng Sơn phải chờ hơn 1 tuần mới được thông quan, nhiều quả bị thối hỏng nên bị lái buôn Trung Quốc chê, ép giá. Anh Màu phải đưa gần 1 nửa xe quay lại Việt Nam rồi bán với giá 5.000 đồng một quả. Trong khi dưa hấu tại cửa khẩu ế thừa nhiều, xe tải chở dưa vẫn ùn ứ kéo dài hàng km trên đường tới cửa khẩu. Tài xế phải túc trực cùng xe, chờ đợi vạ vật ngày này qua ngày khác. Tài xế Nguyễn Ngọc Niệm (áo xanh), 39 tuổi, cùng chủ hàng người Bình Định Phạm Văn Phước, 35 tuổi, ngồi chờ đợi trên cabin xe tải chở 30 tấn dưa hấu đã bắt đầu có hiện tượng chạy nước. Tài xế nằm ngủ trên võng mắc dưới gầm xe. Nhiều người đã gần một tuần nay không được tắm gội... ... việc ăn uống cũng chỉ biết trông chờ vào một số người dân địa phương mang đồ ăn tạm tới bán. Quý ĐoànDưa hấu tắc ở cửa khẩu, nông dân khóc ròng Dưa hấu thừa ế, chất đống vì sản xuất thiếu quy củ