Với các loại sữa công thức và đồ chơi, bà mẹ 31 tuổi cũng chọn đồ nước khác, như Nhật hay Đức, thay vì Trung Quốc. Liu là một trong các phụ huynh trẻ tại các thành phố lớn của Trung Quốc, như Bắc Kinh hay Thượng Hải, đang dần chuyển sang các thương hiệu đồ trẻ em của nước ngoài. Vì chúng được coi là an toàn và chất lượng tốt hơn.
"An toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu của tôi khi đi mua đồ cho con gái. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp con tránh xa đồ độc hại hay kém chuẩn", Liu nói.
Ví dụ điển hình nhất cho trào lưu này là sữa nhập ngoại, đặc biệt từ sau scandal nhiễm melamine năm 2008 tại Trung Quốc. Các số liệu cho thấy ba phần năm sữa công thức hiện bán tại thị trường Trung Quốc là hàng ngoại.
Hiện tại, thế hệ trẻ Trung Quốc còn có bước tiến xa hơn khi cho con cái dùng cả đồ chơi, quần áo và nhiều sản phẩm khác của nước ngoài. "Các thương hiệu nước ngoài có danh tiếng tốt và tôi cảm thấy đáng tin", Liu cho biết.
Ngoài việc mua tại các cửa hàng trong nước, nhiều phụ huynh còn nhờ người quen xách tay từ nước ngoài hoặc đặt hàng online. Sức càn quét của khách du lịch Trung Quốc thậm chí khiến một số quốc gia, như Anh, phải hạn chế số hộp sữa mỗi khách hàng có thể mua.
Trên Taobao - website mua sắm trực tuyến phổ biến nhất Trung Quốc, rất nhiều người còn bán các sản phẩm họ đã mua từ nước ngoài. Hình thức kinh doanh mới này được gọi là "dai gou" theo tiếng Trung Quốc - có nghĩa "mua thay người khác".
Một báo cáo gần đây của Trung tâm nghiên cứu Thương mại điện tử Trung Quốc cho thấy giá trị các hợp đồng "dai gou" năm 2013 đã đạt 7,67 tỷ NDT, tăng 58,8% so với năm 2012. Sản phẩm cho trẻ em là một trong những mặt hàng bán chạy nhất của hình thức này.
Ngoài các website trong nước, ngày càng nhiều người Trung Quốc tìm đến website nước ngoài và đặt hàng trực tiếp từ đây. Những trang web này có sản phẩm đa dạng và giá thấp hơn.
Zhang Hongxia – Giáo sư nghiên cứu hành vi khách hàng tại Học viện quản lý Guanghua, thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết người tiêu dùng Trung Quốc trước đây mua hàng ngoại để trang trí bản thân. Nhưng ngày nay, khi cuộc sống khá giả hơn, họ cũng biết cách chi tiền thông minh hơn. "Các bậc phụ huynh đủ khả năng mua hàng ngoại cho con thường tránh xa hàng nội do không tin tưởng vào chất lượng. Các thương hiệu Trung Quốc giờ chủ yếu được những người có thu nhập thấp tiêu thụ", bà cho biết trên Xinhua.
Để lấy lại niềm tin người tiêu dùng, bà cho rằng cách tốt nhất là các công ty Trung Quốc phải có sản phẩm chất lượng, nhắm vào phân khúc người tiêu dùng cụ thể và tăng quảng bá để nâng cao hình ảnh trước công chúng.
Hà Thu