Người dân địa phương phát hiện bãi biển ở Otago chuyển màu đỏ rực và thông báo với hãng tin quốc gia RNZ, Guardian hôm 29/5 đưa tin. Xác tôm hùm munida gregaria chính là nguyên nhân, theo tiến sĩ John Zeldis, nhà sinh thái biển tại Trung tâm Khoa học Khí quyển và Nước Quốc gia New Zealand. Loài giáp xác này bám vào bãi cát khi thủy triều dâng theo bản năng để sinh sản, sau đó chết khi thủy triều rút.
Trong vài chục năm qua, Zeldis đã thấy những đoạn bờ biển phủ xác tôm hùm dày 20 - 30 cm tại Otago từ tháng 12 đến tháng 6. Hiện tượng này trải dài từ Catlins ở phía nam đến bán đảo Banks ở phía bắc.
Năm nay, người dân địa phương đã báo cáo rất nhiều bãi biển chuyển màu. Điều này cho thấy tôm munida gregaria trưởng thành không chịu từ bỏ địa điểm đẻ trứng lý tưởng dưới đáy biển và khiến hàng triệu con tôm trẻ hơn không có nơi sinh sản. Chúng phải tìm kiếm cơ hội trên các bãi cát.
"Hành vi 'định cư' trên cát rất trọng yếu với vòng đời của tôm munida gregaria. Chúng đậu dưới đáy biển sâu 30-40 m rồi sống tại đó trong vài năm tiếp theo. Đây là nơi chúng đẻ trứng và tạo ra thế hệ mới. Vì thế, xu hướng 'định cư' là bẩm sinh", Zeldis giải thích.
Dù đôi khi những bãi biển đỏ rực khiến người dân sửng sốt, số tôm chết chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số lượng cá thể, Zeldis cho biết. Loài vật này vẫn phát triển tốt bất chấp môi trường biển liên tục biến đổi.
Thu Thảo (Theo Guardian)