Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ tại hội nghị trực tuyến về kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên chiều 6/8.
Theo ông, các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên cũng đang vào mùa thu hoạch trái cây (thanh long, bưởi, nhãn, bơ, sầu riêng...) nên số lượng cần tiêu thụ lên tới 4 triệu tấn. Ngoài ra còn 600.000 tấn thịt gà, 400 triệu quả trứng, 120.000 tấn hải sản, 80.000 tấn thịt heo hơi... đang cần tìm đầu ra, thị trường.
Với hàng triệu tấn nông sản cần tiêu thụ, nhất là lúa gạo, Bộ trưởng Diên nói sẽ kiến nghị Chính phủ mua tạm trữ 4 triệu tấn lúa (tương đương 2,5 triệu tấn gạo) để tiêu thụ cho bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời dự trữ trong bối cảnh "cả thế giới chắc chắn thiếu ăn hậu Covid-19".
"Nhiều nước sản xuất nông sản lúa gạo bị đứt gãy vì dịch, trong khi ta vẫn giữ được thì đó là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc này có thể tuột khỏi tay nếu không có hành động kịp thời", ông Diên nói.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương trong khi trung ương chưa kịp hỗ trợ thì cần tích cực giúp doanh nghiệp và người dân, hợp tác xã... có thể tạm trữ, thu mua lượng lương thực lúa gạo. Việc này trước hết để dự trữ, vừa giúp người dân có nguồn thu nhập và khi cần có thể tung ra thị trường.
Lượng hàng cung ứng dồi dào, nhưng việc 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội khiến lưu thông hàng hoá gặp khó. Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo, ưu tiên cho xe luồng xanh vận chuyển hàng hóa, song thực tế mỗi địa phương vẫn đưa ra quy định riêng trong phòng, chống dịch, khiến lưu thông hàng vô cùng khó khăn. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất được nhiều đại diện địa phương nêu.
Điển hình là với tiêu thụ nông sản của Long An. Ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, các loại nông sản sắp vào vụ thu hoạch của địa phương này gồm thanh long, gạo... đang "bí" đầu ra khi các địa phương lân cận, trong đó có TP HCM - nơi tiêu thụ lớn nhất đang giãn cách xã hội. "Ba chợ đầu mối của TP HCM và hàng loạt chợ truyền thống đóng cửa do Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới tiêu thụ nông sản của Long An", ông Lâm nói.
Chưa kể, đại dịch cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Long An.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vina T&T - đơn vị xuất khẩu trái cây sang Mỹ, Canada, Hàn Quốc... cho biết, Covid-19 đang làm gián đoạn khâu lưu thông, làm thời gian vận chuyển hàng xuất khẩu kéo dài. Hàng nằm chờ tại cảng nhưng chậm xuất khẩu do thiếu container rỗng và cước phí vận chuyển container đã tăng hơn 10 lần so với trước.
Ông Tùng cũng nêu thực trạng, hiện đã có hãng tàu thông báo không nhận vận chuyển hàng trái cây, rau củ quả bằng kho lạnh. "Giá chuyên chở hàng trái cây lạnh giá bằng hàng khô, rủi ro lại cao nên nhiều hãng tàu không muốn nhận chuyển", ông Tùng nói. Từ đó, thiệt hại với các doanh nghiệp xuất khẩu trái tươi vô cùng lớn khi sản xuất ra mà không tiêu thụ được.
Doanh nghiệp đã làm việc với hãng tàu nhưng "chưa đâu vào đâu", nên ông Tùng kiến nghị Bộ Công Thương, cùng các bộ, ngành làm việc để họ ưu tiên giữ lại vận chuyển một phần hàng lạnh.
Không những thế, địa phương nơi doanh nghiệp đặt nhà máy yêu cầu đội ngũ thu hoạch trái cây làm việc trễ hơn và kết thúc công việc trong ngày sớm hơn, nên năng suất lao động giảm. "Thời gian làm việc của chúng tôi chỉ còn từ 6h đến 18h, thay vì khoảng 3h sáng tới 22h khuya. Sản lượng nông sản sụt 20-30% công suất", ông nói.
Về điểm này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đều thống nhất quan điểm "không thể để chuỗi cung ứng đứt gãy chỉ vì khó khăn trong lưu thông". Lãnh đạo 2 bộ đề nghị các địa phương "dứt khoát không được đặt quy định riêng gây cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản".
Sản lượng nhiều, nhưng điều các nhà nhập khẩu hay doanh nghiệp phân phối thu mua bán trong nước quan tâm là chất lượng nông sản Việt.
Ông Phạm Văn Hiển - Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu LPT (Hà Lan), đơn vị chuyên nhập khẩu trái cây, gạo... sang châu Âu, cho hay gạo Việt Nam xuất khẩu lớn nhưng người tiêu dùng nước ngoài vẫn chuộng và tin tưởng gạo Thái Lan. Lý do, chất lượng hạt gạo Việt chưa ổn định. Nhà nhập khẩu này lưu ý, người dân trồng và doanh nghiệp xuất khẩu cần làm việc chặt chẽ về chất lượng giống, kỹ thuật canh tác... đảm bảo chất lượng hạt gạo cao hơn, hạt đồng đều hơn.
Hay như với quả nhãn xuất khẩu sang châu Âu vừa rồi, ông Hiển nói, tỷ lệ hao hụt vẫn nhiều. Muốn cạnh tranh và trụ vững tại thị trường châu Âu thì khâu xử lý sau thu hoạch của loại quả này cần tốt hơn.
Còn Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam Furusawa Yasuyuki lưu ý, các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải xây dựng quy trình quản lý sản xuất và bộ tiêu chuẩn đồng nhất; tối ưu hóa khâu logistics để gia tăng hiệu quả. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, thuỷ sản cũng cần áp dụng công nghệ để giữ ổn định sản xuất và giá thành; sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc; vùng trồng cần có tổng kho tại các vùng nguyên liệu và đặc biệt tăng cường quảng bá sản phẩm...
Hỗ trợ các địa phương khu vực Nam Bộ và Tây nguyên kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu, ông Nguyễn Hồng Diên lưu ý, cần đa dạng thị trường xuất khẩu để không lệ thuộc quá nhiều vào một hay một số thị trường truyền thống. Bộ này sẽ huy động hệ thống các tham tán thương mại ngoài nước để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Việc này vừa tăng tiêu thụ ở thị trường truyền thống, vừa mở thị trường mới nhiều tiềm năng như Nam Á, Pakistan... cho nông, thuỷ sản Việt Nam
Ngoài thị trường xuất khẩu, ông cũng nhấn mạnh, các địa phương, ngành hàng cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa và xác định kênh bán nội địa với 100 triệu dân là thị trường quan trọng nhất để gỡ khó cho nông sản, thuỷ sản lúc này.
Anh Minh