Hiện Bỉ, Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh, Pháp và mới đây nhất là Luxembourg đã phải thu hồi trứng sau khi phát hiện chúng nhiễm thuốc trừ sâu fipronil.
Theo BBC, scandal trứng bẩn xảy ra do thuốc trừ sâu fipronil xâm nhập vào chuỗi sản xuất ở Hà Lan, nhà cung cấp trứng lớn nhất châu Âu. Dấu vết thuốc trừ sâu đã được tìm thấy ở 180 trang trại Hà Lan với sản lượng hàng triệu quả trứng mỗi tuần. Từ đây, số trứng được chuyển đi khắp lục địa già.
Fipronil vốn được dùng rộng rãi trong thú y để điều trị bọ chét song bị Liên minh châu Âu (EU) cấm sử dụng cho động vật lấy thịt như gà. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, nếu hấp thụ nhiều vào cơ thể, fipronil trở nên độc hại và gây nguy hiểm đến thận, gan, tuyến giáp. Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Hà Lan khẳng định fipronil dẫn tới nôn mửa, đau bụng, chóng mặt, động kinh song những triệu chứng này "đều có thể đảo ngược".
Tại Bỉ và Hà Lan, giới chức đang tập trung điều tra công ty kiểm soát dịch bệnh Poultry Vision và công ty làm sạch gia cầm Chickfriend. Dù từ chối bình luận, luật sư của Poultry Vision thừa nhận công ty này đã bán thuốc chữa bệnh gia cầm cho Chickfriend nhưng không tiết lộ nguồn gốc xuất xứ thuốc. Ngày 10/8, cảnh sát Hà Lan bắt giữ 2 người liên quan đến vụ việc.
Scandal trứng bẩn được công khai vào đầu tháng 8 khi Hà Lan yêu cầu thu hồi các sản phẩm nhiễm thuốc trừ sâu khỏi thị trường. Ngay sau đó, Bỉ bị chỉ trích vì không báo cáo Ủy ban châu Âu cho tới cuối tháng 7 dù biết sự việc trước đó một tháng. Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ Denis Ducarme đáp trả bằng cách cáo buộc Hà Lan đã che giấu vụ việc từ tháng 11/2016.
Bên cạnh đó, nhiều nước khác thuộc EU nghi ngờ fipronil đã xâm nhập chuỗi thực phẩm lâu hơn cảnh báo đưa ra. Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt gọi đây là "tội ác" còn người đồng cấp Pháp Stephane Travert bày tỏ mong muốn "trao đổi thông tin một cách hiệu quả và nhanh chóng" hơn với các đối tác EU.
Hiện 180 trang trại Hà Lan bị tạm đóng cửa chờ kết quả điều tra. Nước này cũng tuyên bố sẽ tiêu hủy toàn bộ số gà mái nhiễm fipronil, ước tính khoảng 9 triệu con. Cùng lúc, Bỉ ngừng tiêu thụ trứng từ 57 cơ sở sản xuất nội địa như biện pháp phòng ngừa.