Kinh doanh theo mạng (Network Marketing) hay bán hàng đa cấp là một phương thức marketing sản phẩm kinh doanh, bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Theo đó, người mua có thể trực tiếp nhận hàng từ công ty hoặc qua một nhà phân phối duy nhất mà không phải thông qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ.
Xuất hiện trên thế giới vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước với rất nhiều tranh cãi, song đến năm 1998, mô hình kinh doanh này mới có mặt tại Việt Nam. Bán hàng đa cấp có mặt lần đầu tiên ở TP HCM năm 1998, do một nhóm người từ Đài Loan sang liên doanh với Công ty Inconmex. Khi đó, sản phẩm mà họ rao bán là chiếc nệm mút. Qua các buổi tập huấn bán hàng, chiếc nệm mút này được biết đến như một sản phẩm thần kỳ, có thế chữa bách bệnh. Vì thế, giá trị của món hàng được đẩy lên đến vài chục triệu đồng một tấm.
Đến năm 2000, Công ty Sinh Lợi xuất hiện, hoạt động dưới hình thức kinh doanh đa cấp, song không có sự quản lý nào của pháp luật, vì vào thời điểm đó Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho loại hình hoạt động kinh doanh này. Chỉ tiêu bắt buộc những người muốn tham gia vào mạng lưới của Sinh Lợi khi đó là phải mua các sản phẩm như máy ozon máy massage, đồ dùng nhà bếp, hàng điện tử... với mức giá từ 3 đến 5 triệu đồng, gấp 2-3 lần so với sản phẩm tương đương trên thị trường.
Hàng chục nghìn người đã tham gia vào mạng lưới của Sinh Lợi. Phải đến cuối năm 2004, Luật cạnh tranh và 2005 là Nghị định 110 mới được ban hành để đưa kinh doanh đa cấp vào khuôn khổ. Các văn bản đã công nhận đây mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam.
Không lâu sau đó, trước nhiều khiếu nại của khách hàng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đến giữa năm 2006, Sở Kế hoạch – Đầu tư TP HCM đã ra quyết định thu hồi giấy phép bán hàng đa cấp của Công ty Sinh Lợi vì hành vi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng…
Sau khi Công ty Sinh Lợi bị thu hồi giấy phép, một số lãnh đạo đơn vị này ra Hà Nội xin giấy phép với một tên gọi mới Công ty Thiên Ngọc Minh Uy và lập chi nhánh tại nhiều tỉnh, thành. Đơn vị này kinh doanh đa cấp các sản phẩm thực phẩm chức năng, làm đẹp và đồ gia dụng như máy massage, tạo khí ozone... Nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành không ít lần bị cơ quan quản lý xử phạt vì bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Ngoài Thiên Ngọc Minh Uy, nhiều đơn vị kinh doanh đa cấp sau đó cũng bị dư luận lên án.
Tuy nhiên, 5-6 năm trở lại đây được xem là giai đoạn phục hồi của kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, khi mà hàng loạt tổ chức kinh doanh đa cấp ra đời và tăng dần doanh số. Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp, mô hình này khá mới mẻ so với nhiều ngành nghề khác tại Việt Nam nhưng lại có tốc độ tăng trưởng 20- 30% mỗi năm. Năm 2013, số hội viên tham gia Hiệp hội đã lên tới hơn 100 đơn vị. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương - cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp cho biết hiện số lượng đơn vị đăng ký là 65.
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, sau gần 20 năm có mặt tại Việt Nam, hiện mặt hàng kinh doanh của các công ty đa cấp đã phát triển rất rộng từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng, hàng thời trang, dụng cụ thể thao, vật lý trị liệu... Tuy nhiên, thực phẩm chức năng vẫn có số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhiều nhất (trên 80%). Đây cũng là mặt hàng được bán nhiều nhất (khoảng 90%).
Cũng theo cơ quan này, đa số doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên có một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm trong nước như Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam, Công ty TNHH Mạng lưới hữu nghị FNC...
Doanh thu lĩnh vực này cũng tăng 10 lần trong vòng 8 năm, từ 614 tỷ đồng năm 2006 lên đạt 6.447 tỷ đồng năm 2013. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu của ngành là 3.200 tỷ đồng.
Theo ước tính của Cục Quản lý cạnh tranh, hiện doanh nghiêp đa cấp đăng ký khoảng trên 7.000 mặt hàng. Số lượng người đã tham gia bán hàng đa cấp vào khoảng có 1,2 triệu, trong khi con số này năm 2006 chỉ là 235.000 người. Nếu như trước đây, đối tượng chủ yếu của giới bán hàng đa cấp là những người nghèo, tham gia để mong được đổi đời thì đến nay, theo tìm hiểu của VnExpress, những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp còn có trí thức, giáo viên, công nhân...
Các công ty đa cấp có thể áp dụng cơ cấu trả thưởng khác nhau như mô hình kim tự tháp, mô hình nhị phân và ma trận... Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp bán hàng đa cấp thông thường, trong khuôn khổ pháp luật, không ít biến tướng của mô hình này đã xuất hiện. Một trong những đặc điểm của mô hình đa cấp biến tướng là thường yêu cầu người tham gia phải trả phí ban đầu cao quá mức để gia nhập công ty, trả thưởng chủ yếu dựa vào việc chiêu dụ thêm nhiều người mới cùng tham gia vào hệ thống.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đưa ra những quảng cáo sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa, sản phẩm... Thậm chí, nhiều công ty không có sản phẩm thực, không tổ chức bán hàng thực, chỉ mời người vào mạng lưới và sử dụng tiền phí nộp tham gia của người này chuyển sang hoa hồng của người khác nhằm tạo ra thu nhập để lôi kéo người tham gia.
Gần đây, lãnh đạo hệ thống kinh doanh đa cấp Liên kết Việt vừa bị cơ quan công an khởi tố với cáo buộc giả danh công ty thuộc Bộ Quốc phòng, lôi kéo, lừa đảo 45.000 người tham gia kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng và máy chăm sóc sức khỏe. Theo cáo buộc, từ tháng 6/2014 đến tháng 7/2015, ban lãnh đạo Liên kết Việt đã phát triển hệ thống đa cấp với hơn 45.000 người tham gia, tổng số tiền thu trên 1.900 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên những lãnh đạo của các doanh nghiệp đa cấp bị vướng vòng lao lý. Trước đó, một loạt vụ án liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp như Công ty MB24, Tâm Mặt Trời, Cộng đồng Việt... với hành vi lừa đảo hàng chục nghìn người để chiếm đoạt cả trăm tỷ đồng.
Ngọc Tuyên