Sáng ngày 28/12, máy bay của hãng hàng không Air Asia chở 162 người, trong đó có 16 trẻ em đã mất tích ngay khi mất liên lạc trên đường từ Surabaya (Indonesia) tới Singapore. "Chuyện gì đang xảy ra với ngành hàng không thế giới thế này" là câu hỏi chung của trăm độc giả gửi đến bình luận dưới bài viết.
Một bạn đọc có nickname MT đã bàng hoàng thốt lên: "Mở báo lên đọc, tôi phải dụi vào mắt mình liên tục để tin rằng đó không phải là sự thật. Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2014 rồi, sao những chuyện tai ương thế này vẫn chưa chấm dứt?".
Năm 2014 được coi là năm đại họa của hàng không thế giới. Riêng Châu Á, những sự cố máy bay liên tiếp xảy ra khiến hơn 700 người chết và mất tích.
"Thắt lòng trước những thông tin như thế này. Mong điều kì diệu sẽ đến với phi hành đoàn", đây không chỉ là mong muốn của độc giả Cảnh Nga. Tất cả mọi người đều đang nguyện cầu điều kỳ diệu và bình an sẽ đến với 162 người trên máy bay của Air Asia.
Bên cạnh hàng nghìn độc giả gửi lời chia sẻ sự mất mát và cầu nguyện bình an đến các hành khách trên máy bay Air Asia, độc giả Phan Vân suy đoán: "Trước những tình tiết được nêu, từ việc phi công yêu cầu chuyển hướng bay do thời tiết xấu, không có tín hiệu cấp cứu trước khi mất liên lạc... Thông tin này làm tôi nhớ đến MH370 khi mất tích. Không biết AirAsia Indonesia QZ8501 có giống MH370?".
Một trong những chiếc máy bay của hãng hàng không Air Asia. |
Henry Nguyễn, một độc giả VnExpress thắc mắc: "Tại sao lại là có thể? Một chiếc máy bay với đầy đủ mọi thiết bị tiên tiến nhất, được trang bị liên lạc qua vệ tinh vậy mà gặp vấn đề thì chẳng ai biết chuyện gì đã xảy ra?".
"Đã đến lúc các hãng máy bay phải tính toán đến chuyện thiết kế được hệ thống tự động tự động đẩy hành khách ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp giống như máy bay chiến đấu, sẽ hạn chế được tối đa rủi ro thiệt hại về người do các vụ tai nạn máy bay", thành viên MT tâm sự tiếp khi nhận được thông tin Máy bay AirAsia có thể 'nằm dưới đáy biển'.
Bên cạnh những giả thiết đã được đặt ra từ vụ mất tích mới nhất, độc giả dinhnguyen213 góp ý: "Thông thường các cơn bão áp suất không khí giảm từ cao độ 6000m trở xuống, tầm bay đường dài cao độ 30000 fts # 10.300 m sẽ ít ảnh hưởng. Tuy nhiên, có những cơn bão áp suất nhiễu động lên đến 20.000 m thì phi công chỉ còn cách tránh xa mắt bão 600 km nghĩa là phải bay vòng tránh".
"Trong chuyến bay QZ8501, phi công xin nâng tầm bay lên 10.300m, nhưng có lẽ nhiễu động còn cao hơn nên rơi vào xoáy bão rồi. Tôi dự đoán như vậy vì đây là chuyến bay giá rẻ. Hiệu quả kinh tế cũng cần tính đến hệ số an toàn nữa", nickname dinhnguyen213 nói tiếp.
"Những ngày cuối cùng của năm 2014 nhưng thảm họa vẫn chưa kết thúc. Cầu mong cho QZ8501 được sớm tìm thấy còn nguyên vẹn chứ đừng ra đi mãi như MH370 và mong cho thế giới đừng có thêm bất kỳ một điều đáng buồn nào xảy ra như vậy nữa. Hy vọng máy bay đáp xuống đảo nào tránh bão, các hành khách và phi hành đoàn an toàn".
"Ôi 2014, mong cuối năm một phép màu ngoại lệ cho hàng không", thành viên Jackie Huy cầu nguyện.
>> Xem thêm: Năm 2014: Thảm họa của hàng không thế giới
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.