Để đảm bảo chương trình tiêm chủng tham vọng nhất lịch sử nước Mỹ được vận hành trơn tru, một chiến dịch hậu cần đã được khởi động với sự tham gia của nhiều đơn vị. Chiến dịch bắt đầu ngay sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt khẩn cấp vaccine Pfizer-BioNTech hôm 11/12.
Chiến dịch có sự góp sức của các nhà khoa học, công nhân nhà máy đến tài xế xe tải, chuyên gia dữ liệu, quan chức, dược sĩ và nhân viên y tế. Tủ đông siêu lạnh, đá khô, kim tiêm, khẩu trang và băng gạc cần được phân phối đồng thời tại hàng nghìn địa điểm trên cả nước.
Thách thức lớn nhất trong quá trình vận chuyển là duy trì dây chuyền lạnh với mức nhiệt âm 70 độ C. Dù đã qua nhiều lần diễn tập và lập kế hoạch dự phòng, rất nhiều sự cố có thể xảy ra.
"Mối quan tâm lớn nhất không phải là chúng tôi cần làm gì, mà là liệu các mũi tiêm còn dùng được không khi đến nơi", Shawn Seamans, giám đốc cấp cao phụ trách chương trình phân phối tại công ty McKesson, nói.
Nếu không đảm bảo được dây chuyền lạnh, vaccine có thể bị hỏng hoàn toàn. Lỗi từ khâu hậu cần cũng làm chậm các chuyến hàng chuyển đến cơ sở y tế. Nếu bệnh viện gặp khó khăn trong việc sắp xếp lịch tiêm chủng, khâu rã đông sẽ trở thành thảm họa. Bản thân đại dịch cũng có thể khiến cho một số nhóm lao động tham gia chiến dịch tiêm chủng phải giải tán.
"Mọi thứ phải phối hợp với nhau, từ bao bì, đá khô, lọ đựng đến nguyên liệu. Tất cả cần đến đúng nơi, đúng thời điểm, đủ số lượng và có đủ người sẵn sàng chờ tiêm chủng ở đó. Hiện tại, quá trình này như bản giao hưởng không có nhạc trưởng". Yossi Sheffi, giám đốc Trung tâm Vận tải & Hậu cần MIT, nhận định.
Hành trình bắt đầu tại một nhà máy ngay bên ngoài St. Louis, nơi các nhà khoa học của Pfizer tạo nguyên liệu thô, là xương sống trong phát triển vaccine. Các nguyên liệu này được chuyển tới thị trấn Andover, Massachusetts. Các chuyên gia sau đó sẽ biến chúng thành mRNA - thông tin di truyền hướng dẫn hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi virus.
Tiếp đến, vaccine được vận chuyển trong lọ thủy tinh chịu lực và chịu nhiệt. Khay đựng 195 lọ đóng gói bằng đá khô. Vaccine nguyên chất cuối cùng pha loãng với dung dịch nước cất, tạo thành 975 mũi tiêm.
Pfizer đã mua ba thùng carbon dioxide dùng làm đá khô. Bên trong mỗi hộp vaccine chứa thiết bị định vị và cảm biến nhiệt kích thước bằng một chiếc điện thoại di động. Hãng có thể theo dõi lô hàng tới khi chúng đến điểm dừng cuối cùng.
Mike McDermott, Chủ tịch Cung ứng Toàn cầu của Pfizer, cho biết: "Chúng tôi thực sự cần đảm bảo mọi khoảnh khắc của hành trình không có bất cứ sai lệch nào về nhiệt độ".
Các chuyên gia cho biết việc vận chuyển có thể phát sinh nhiều vấn đề do đây là loại vaccine mới. Lọ chứa khả năng bị vỡ trên đường đi, nhân viên xử lý có thể nhầm lẫn giữa các thùng hàng. Pfizer thậm chí đã đề ra biện pháp an toàn để ngăn chặn việc đánh cắp vaccine.
Chương trình tiêm chủng toàn quốc cần đến lượng lớn khẩu trang, kim tiêm, gạc tẩm cồn và nước cất. Trong nhiều tuần, nhân công tại công ty McKesson đã chuẩn bị các thùng dụng cụ nặng 22 kg, đủ dùng cho 1.000 mũi tiêm. Lô hàng sau đó được vận chuyển bằng máy bay và xe tải đến hàng trăm viện dưỡng lão, bệnh viện và trung tâm y tế trên toàn quốc.
Đảm bảo từng chiếc hộp đến đúng địa chỉ là một thách thức. Tiến sĩ Rachel Levine, một quan chức y tế bang Pennsylvania, cho biết trong buổi diễn tập phân phối vaccine giả định Pfizer cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), một số bộ dụng cụ tới địa điểm tiêm chủng muộn hai ngày.
McKesson sau đó phát hiện trong một số trường hợp, dữ liệu về điểm đến không được truyền đi. Một số đơn đặt hàng vì thế đã không thể vận chuyển. Sự cố này đã được giải quyết ổn thỏa.
Pfizer đang vận chuyển vaccine từ nhiều địa điểm, một số nhà máy đặt tại nước ngoài. Trong tuần lễ Tạ ơn, khoảng 750.000 mũi tiêm được sản xuất ở châu Âu đã hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Chicago O'Hare. United Airlines cũng thực hiện khoảng 5 chuyến bay chở vaccine từ Bỉ đến Mỹ, mỗi chuyến chứa hơn một triệu mũi.
Sau khi đến Mỹ, vaccine được chuyển tới công ty vận tại FedEx và UPS ở Memphis, Louisville cùng nhiều nơi khác. FedEx gắn một thiết bị định vị vào kiện hàng, cho phép nhân viên theo dõi vị trí của từng lô hàng. UPS sử dụng công nghệ tương tự. Vaccine sẽ được xử lý trên làn đường nhanh, dành cho hàng hóa ưu tiên với cam kết đến cơ sở y tế vào ngày hôm sau.
Mạng lưới giao hàng được nghỉ ngơi trong đại dịch, để lại rất ít sai sót. Các giám đốc điều hành cho biết họ đã dành đủ không gian để xử lý những lô vaccine dự kiến.
Richard Smith, chủ tịch FedEx khu vực châu Mỹ, chia sẻ: "Chúng tôi đã lên kế hoạch đáp ứng đủ công suất. Hãng tự tin hệ thống sẽ không bị áp đảo".
Tuy nhiên, quá trình vận chuyển bằng đường bộ và đường hàng không có thể gặp gián đoạn bởi các yếu tố bất thường như thời tiết hoặc vấn đề máy móc. Nhiều xe tải cần làm việc với công ty dược phẩm, trải qua các cuộc kiểm tra chất lượng, đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn toàn cầu về vận chuyển thuốc.
Trong nhiều tháng, các sân bay của Mỹ đã chuẩn bị cho đợt tiêm chủng lịch sử. Bernhard Kindelbacher, phó chủ tịch phụ trách hàng hóa của hãng hàng không Deutsche Lufthansa AG, cho biết họ được thông báo trước khoảng 5 ngày về việc xuất nhập khẩu vaccine.
"Đó là một thông báo không chắc chắn. Vận chuyển trên tuyến đường nào, khối lượng bao nhiêu, ở nhiệt độ ra sao?", ông hỏi.
Mỹ chỉ định 64 địa điểm, bao gồm các bang, thành phố và vùng lãnh thổ được phép thành lập cơ sở tiêm chủng. Các liều vaccine dự kiến sẽ tới 145 bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước trong ngày 14/12.
Minnesota nhận được 46.800 mũi tiêm, đủ dùng cho một số nhân viên y tế, người dân và nhân viên tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe dài hạn. Trước tiên, vaccine được chuyển đến 25 bệnh viện hoặc nhà thuốc lớn có sẵn kho lạnh. Các cơ sở này chịu trách nhiệm phân phối đến những địa điểm còn lại.
Tiếp theo, bệnh viện nhỏ hơn cần đảm bảo mỗi mũi tiêm không bị hỏng trước khi đến tay người dùng. Trước khi FDA quyết định cấp phép, các bệnh viện đã tiến hành kiểm tra nguồn điện dự phòng, cài đặt nhiệt độ cho tủ đông và gấp rút quyết định nhóm ưu tiên tiêm chủng.
Nhiều nhân viên y tế thậm chí cố gắng tìm kiếm ảnh bao bì sản phẩm để tránh nguy cơ nhầm lẫn hay bỏ sót các kiện hàng.
"Mọi người đều rất tập trung vào việc đảm bảo mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch", Jessica Daley, giám đốc điều hành công ty Premier, cầu nối giữa các bệnh viện và hãng dược, cho biết.
Các bệnh viện cũng phải sắp xếp lịch tiêm chủng cho người dân và nhân viên y tế để tránh đông đúc, đảm bảo tình trạng giãn cách xã hội trong toàn bộ quá trình. Tiến sĩ Paul Biddinger, giám đốc y tế của hệ thống y tế Mass General Brigham, cho biết các bệnh viện sẽ phải vứt bỏ những liều tiêm không dùng đến nếu bất cứ ai lỡ lịch hẹn chủng ngừa.
"Chúng tôi thực sự không muốn lãng phí bất cứ mũi tiêm nào", ông nói.
Vaccine Covid-19 của Pfizer và đối tác Đức BioNTech là sản phẩm đầu tiên hoàn thành thử nghiệm với hiệu quả 95%. Bốn nước đã phê duyệt khẩn cấp vaccine Pfizer là Anh, Bahrain, Canada và Mỹ.
Hồi tháng 7, chính phủ Mỹ đã đạt được thỏa thuận trị giá 1,95 tỷ USD để mua 100 triệu mũi vaccine của Pfizer, đủ dùng cho khoảng 50 triệu người. Đây được coi là thỏa thuận vaccine lớn nhất từ trước đến nay. Đối tượng tiêm chủng ưu tiên là nhân viên y tế, lao động tuyến đầu, thành viên tại các trung tâm dưỡng lão và chăm sóc lâu dài. Dự kiến đến tháng 9/2021, toàn bộ người dân Mỹ sẽ được tiêm vaccine. Từ tháng 10 đến tháng 12 năm sau, Mỹ có thể đạt mức miễn dịch cộng đồng lý tưởng.
Thục Linh (Theo WSJ)