Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tuần trước nâng lãi suất lên 5%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 13 liên tiếp, đưa lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
Động thái được đưa ra để giảm lạm phát sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu chủ nhà, bởi lãi suất nhiều khoản vay thế chấp ở Anh liên quan trực tiếp với lãi suất cơ bản, theo các tổ chức nghiên cứu.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR), tổ chức tư vấn độc lập ở Anh, ước tính đợt tăng lãi suất gần đây nhất của BoE sẽ khiến 1,2 triệu hộ gia đình (chiếm 4% hộ gia đình của Anh) cạn kiệt tiền tiết kiệm vào cuối năm nay vì phải trả nợ nhiều hơn cho khoản vay mua nhà.
"Việc tăng lãi suất lên 5% sẽ đẩy hàng triệu hộ gia đình có các khoản vay thế chấp đến bờ vực mất khả năng thanh toán", Max Mosley, nhà kinh tế tại NIESR nói.
Điều này có thể dẫn đến tỷ lệ hộ gia đình vỡ nợ lên gần 30%, tương đương khoảng 7,8 triệu hộ. Trong đó, khu vực chịu tác động lớn nhất sẽ là xứ Wales và vùng đông bắc nước Anh.

Một cặp đôi đang xem các bất động sản được rao bán ở Anh. Ảnh: Reuters
Các dự báo cho biết lãi suất cơ bản tại Anh sẽ đạt đỉnh ở mức cao hơn và duy trì lâu, dẫn đến lãi suất các khoản vay mua nhà đều tăng vọt. "Đây sẽ là một vấn đề dài hạn với thị trường nhà đất ở Anh", Bailey cho biết.
Max Mosley, nhà kinh tế tại NIESR cũng phân tích lạm phát kéo dài sẽ ăn vào số tiền mà các hộ gia đình sẽ phải chi cho bất động sản, gây áp lực giảm giá nhà trong dài hạn. Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), hơn một triệu hộ gia đình nước này vẫn chưa trải qua tác động đầy đủ của việc lãi suất thế chấp tăng, do các khoản vay thường có 2-5 năm đầu lãi cố định trước khi thả nổi.
Benjamin Trevis, nhà kinh tế tại CEBR, cho biết khi thời hạn lãi suất cố định kết thúc, các hộ gia đình sẽ đối diện các khoản thanh toán cao hơn đáng kể. Độ trễ của tác động từ lãi suất tăng vì thế dự kiến kéo dài thời kỳ suy thoái của thị trường nhà ở.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cuối tuần trước đã gặp các ngân hàng lớn và hiệp hội xây dựng để thảo luận về cuộc khủng hoảng vay mua nhà ngày càng trầm trọng ở nước này. Ba biện pháp đã được các bên thống nhất, bao gồm bao gồm thay đổi tạm thời các điều khoản vay mua nhà và cam kết rằng điểm tín dụng của người vay sẽ không bị ảnh hưởng bởi các thảo luận với bên cho vay. Những người có nguy cơ mất nhà, nhà băng đồng ý với thời gian ân hạn 12 tháng trước khi thu hồi.
Không chỉ người đang vay điêu đứng, lãi suất tăng cũng làm giảm nhu cầu mua nhà. Việc lãi suất cơ bản của Anh tăng từ 4% lên 6% đã làm giảm 20% sức mua, theo Zoopla House Price Index. Nước Anh được dự báo sẽ có đợt giảm giá nhà dài nhất ở phương Tây. Liam Bailey, Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu tại hãng môi giới bất động sản Knight Frank, cho biết lãi suất tăng đang dẫn đến sự lao dốc của thị trường nhà đất.
Giá nhà trên khắp nước Anh sẽ tiếp tục giảm cho đến nửa cuối năm 2025, theo dự đoán của Oxford Economics. Công ty tư vấn này nhận định giá có thể sẽ giảm 11% so với mức đỉnh vào năm 2022.
Công ty bất động sản Zoopla, cho hay cuộc khủng hoảng lãi suất đang buộc 2 trên 5 người bán nhà phải chấp nhận hạ giá. Trong đó, cứ mười người bán thì có một người giảm giá trên 10% và 42% giảm ít nhất 5%, mức cao nhất kể từ năm 2018.
Vị thế của người mua cũng được củng cố. Trong bốn tuần qua, số lượng người tìm nhà đã giảm 14% so với mức trung bình 5 năm, theo Zoopla House Price Index.
Richard Donnell, Giám đốc điều hành Zoopla, dự đoán giá nhà sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm do nguồn cung tăng lên. "Chúng tôi vẫn dự báo giá nhà sẽ giảm 5% vào năm 2023", ông nói.
Giá nhà ở Anh bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, nhờ lãi suất giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,1% và chính sách miễn thuế trước bạ. Richard Donnell cho biết lãi suất thấp cho phép mọi người tăng sức mua, nhưng điều này đang thay đổi. Đó là chưa kể tăng trưởng tiền lương ở mức kém kể từ năm 2008. "Thế hệ sau không sung túc bằng thế hệ trước. Có sự suy giảm thu nhập khi những đứa trẻ không giàu hơn nhiều so với cha mẹ chúng", Richard nói.
Anh Kỳ (theo CNBC, Telegraph)