Gần một tháng nay, Ban Quản lý chung cư HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai phải đưa hàng trăm xe máy, xe đạp vô chủ từ tầng hầm lên khoảng sân giữa các tòa nhà. "Chúng tôi không thu được tiền gửi xe mà còn tốn diện tích và người trông giữ. Chưa kể hàng trăm xe để ở sân giữa các tòa nhà cũng gây mất mỹ quan", ông Nguyễn Văn Phương, Ban Quản lý chung cư HH Linh Đàm nói, cho hay hiện chưa có cách nào giải quyết số xe không có người nhận.
Khu đô thị HH Linh Đàm có 12 tòa nhà với khoảng 36.000 dân, trong khi chỉ có 16.000 chỗ gửi xe máy ở 4 tầng hầm. Chỗ để xe chật chội, nguy cơ cháy nổ cao do phương tiện lâu ngày không sử dụng, Ban Quản lý đã thông báo, vận động cư dân nếu có xe không dùng thì đem tặng người thân hoặc trẻ em vùng cao. Tuy nhiên, sau một tháng vẫn không có người nhận xe.
Cư dân gửi xe đóng phí 80.000 đồng mỗi tháng, khách vãng lai dùng vé ngày, đóng 5.000 đồng mỗi lượt. Tuy nhiên, theo ông Phương, hệ thống dữ liệu không lưu giữ thời gian phương tiện ra vào hầm hoặc nếu có cũng hết hạn 1-2 năm. Do vậy, Ban Quản lý không biết chính xác nguồn gốc xe "bỏ quên" trong hầm.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó chủ tịch phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, cho hay phường đã cử người phối hợp Ban Quản lý chung cư HH Linh Đàm để giải quyết số xe vô chủ. "Với trường hợp xe có chủ, phường sẽ liên hệ yêu cầu chủ xe nhận lại, còn xe vô chủ được bàn giao công an giải quyết", ông Thắng nói và cho biết thêm tình trạng xe vô chủ còn xảy ra ở nhiều chung cư khác trên địa bàn như Osaka Complex, khu đô thị Bắc Linh Đàm nhưng số lượng ít hơn.
Luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty Luật Bảo An, phân tích khi gửi xe, chủ phương tiện và bên trông xe đã thiết lập hợp đồng trông giữ tài sản. Do vậy, các bên phải thực hiện và tuân thủ quy định của pháp luật về gửi giữ tài sản.
Tuy nhiên, thực tế các bên không có thỏa thuận thời hạn trông giữ tài sản và cũng không thỏa thuận nếu quá hạn mà bên gửi không đến nhận tài sản thì giải quyết thế nào. "Như vậy không có căn cứ xác định thời hạn thực hiện hợp đồng cũng như các tình huống mà bên trông giữ xe có thể thực hiện theo thỏa thuận", luật sư nói, cho rằng pháp luật đang thiếu quy định đối với tình huống này.
Trường hợp người nhận giữ mà tự ý xử lý tài sản dưới bất kỳ hình thức nào như thanh lý, đấu giá, cho tặng... đều có thể bị coi là vi phạm pháp luật, phải đối diện tranh chấp khi người gửi đến nhận lại tài sản. "Do vậy, cách xử lý đúng là bên trông giữ tiếp tục trông giữ xe. Sau này cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, hướng dẫn giải quyết thì thực hiện theo", ông Vinh nói.
Hoàng Mai là quận đông dân nhất Hà Nội với hơn 500.000 người và đang đối mặt nhiều áp lực về cơ sở hạ tầng khi nhiều chung cư cao tầng mọc lên. Tình trạng ôtô, xe máy đỗ tràn trên vỉa hè, lòng đường xung quanh các khu đô thị như HH Linh Đàm, Kim Văn - Kim Lũ diễn ra nhiều năm nay do hạ tầng quá tải và bất cập trong triển khai quy hoạch bãi đỗ xe.
Việt An - Võ Hải