Hơn một tuần qua, khoảng 50-65% trong tổng số 40 ha ngao thả nuôi ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà bị chết, ruột phân hủy, bốc mùi hôi. Khi thủy triều rút, vỏ nổi trắng đầm, người dân gom lại chất thành từng đống cao 20-30 cm.
Ông Phạm Dậu, trú thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, cho biết ngao chết trong đầm xuất hiện cuối tháng 6 nhưng không đáng kể. Cuối tháng 8, ngao bắt đầu chết với số lượng lớn, chỉ trong vài ngày đã lan ra toàn bộ diện tích khoảng 3 ha đầm nuôi của gia đình ông.
Mỗi vụ, ông Dậu đầu tư khoảng 400 triệu đồng mua con giống và trả chi phí nhân công chăm sóc. Nếu thuận lợi thì ông thu hoạch bán được khoảng 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng. Ngao trong đầm dự kiến đầu năm 2023 sẽ cho thu hoạch, nhưng nay chết khoảng 80%. "Vụ này gia đình lỗ lớn, thiệt hại hàng trăm triệu đồng", ông nói.

Ngao chết, ruột phân hủy, vỏ dắt trắng đầm tại bãi bồi ven cửa biển xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà hồi đầu tháng 9. Ảnh: Đức Hùng
Cách xã Mai Phụ hơn 6 km, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực nuôi ngao ở cửa sông Rào Cái, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà. Theo lãnh đạo xã, địa bàn có hơn 20 ha xuất hiện ngao chết với diện tích khoảng 40-60%. Một số hộ nuôi theo diện hợp tác xã thì gần như mất trắng khi ngao chết gần 90%.
Những ngày qua, chủ đầm phải thuê lao động thời vụ, trả một ngày công hơn 200.000 đồng để gom ngao chết và vỏ ngao dắt dưới bùn nhằm vệ sinh đầm nuôi, hạn chế ảnh hưởng đến ngao sống.
Một người dân xã Đỉnh Bàn cho biết, 1 kg ngao thương phẩm bán giá 120.000 đồng. Nếu nuôi đạt năng suất cao, mỗi ha sẽ cho lãi hàng chục triệu đồng. "Vụ tới tôi sẽ vay thêm tiền ngân hàng để mua giống mới về thả, mong gỡ lại vốn", người này nói.

Người dân xã Mai Phụ gom vỏ ngao chết để vệ sinh đầm nuôi. Ảnh: Đức Hùng
Theo nhà chức trách huyện Lộc Hà và Thạch Hà, tính toán bước đầu cho thấy các hộ nuôi thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Huyện đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Chi cục Thú y vùng 3 thông báo kết quả xét nghiệm ngao chết tại xã Mai Phụ âm tính với dịch bệnh.
"Cơ quan chuyên môn đang chờ các thông số từ chất lượng nước và một số yếu tố khác để đưa ra kết luận", ông Võ Tá Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Hà nói.
Người dân xã Mai Phụ gom vỏ ngao chết để vệ sinh đầm nuôi. Ảnh: Đức Hùng
Những năm trước, ngao nuôi tại các bãi bồi ven biển ở huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên cũng bị chết với số lượng từ hàng trăm đến hàng nghìn tấn. Cơ quan chuyên môn kết luận nguyên nhân do sương muối, nước biển bị ngọt hóa...