Video: Tàu cá chở mực khô cập cảng An Hòa (Quảng Nam)
Những ngày này, hơn 30 tàu câu mực neo đậu tại cảng cá An Hòa (Quảng Nam) với hàng trăm tấn hàng trong hầm chứa song không có thương lái đến thu mua.
Ông Phan Bá Linh (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) chủ tàu câu mực QNA 90073 nói, ngày 8/3 âm lịch ông đầu tư hơn 400 triệu đồng mua nhiên liệu, thức ăn, nước uống... cùng 40 người vươn khơi. Ngày 8/5, tàu ông cập bờ chở theo 23 tấn mực khô.
"Đây là chuyến đi biển thành công về sản lượng, hứa hẹn khi bán xong đem về khoản thu lớn", ông Linh nói và cho hay, chuyến biển trước, tàu ông đánh bắt được 27 tấn mực khô, bán giá 130.000 đồng mỗi kg, thu 3,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không lâu sau khi tàu cập bờ, niềm hy vọng của ông đã bị dập tắt. Tất cả các thương lái đều từ chối thu mua dù ông đã hạ giá xuống dưới 100.000 đồng mỗi kg. Lý do họ đưa ra là không xuất khẩu được qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Đến nay con tàu của ông Phan Bá Linh đã nằm bờ 14 ngày và 23 tấn mực khô để trong hầm chứa. Ông không thể bốc lên bờ do không có chỗ cất giữ. Hơn 30 năm hành nghề đánh bắt hải sản, đây là lần đầu tiên người ngư dân này chứng kiến mực bị ứ đọng trong thời gian dài.
"Tàu của tôi chết đứng ở đây chứ không biết làm cách gì khác. Hàng ngày, gia đình tôi cắt cử nhau ở lại tàu để bảo vệ số mực", ông Linh nói.
Với hơn 30 tàu câu mực cập bờ ở cảng An Hòa, tàu đánh bắt ít nhất 10 tấn, tàu nhiều nhất gần 60 tấn mực khô, ông Linh ước tính "khoảng 600 tấn mực đang ứ đọng tại cảng cá".
Cùng chung cảnh ngộ, ngư dân Lương Tới (xã Tam Giang) chủ tàu Qna 90668 đánh bắt được hơn 50 tấn mực và đã neo đậu tại cảng cá 10 ngày nay.
Theo ông Tới, trước đây tàu vào bờ thì thương lái đến ngã giá, sau đó cho xe tải đến chở mực đi. Ngư dân có tiền để đầu tư mua dầu, lương thực, thực phẩm tiếp tục vươn khơi. "Nếu không bán được mực thì tàu tôi sẽ phải tiếp tục nằm bờ", ông Tới nói.
Phó chủ tịch huyện Núi Thành, ông Nguyễn Văn Thịnh cho hay, tại địa phương có khoảng 40 tàu câu mực xa khơi, thu hút 2.000 lao động. Nghề câu mực bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, mỗi chuyến ra khơi kéo dài trên 2 tháng với tổng sản lượng khai thác mỗi năm trên 10.000 tấn.
"Chính quyền đang thống kê số lượng mực tồn đọng và báo cáo cho Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tìm hướng giải quyết", ông Thịnh nói.
Ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm trước mực được xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên "tiêu thụ nhanh và thuận tiện".
Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc yêu cầu xuất theo đường chính ngạch; để xuất khẩu được hàng hóa phải có các doanh nghiệp thu mua ở Trung Quốc kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.
"Quy định trên mới áp dụng nên ngư dân bị động, Quảng Nam chưa tìm ra đầu mối để liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc thu mua xuất khẩu theo đường chính ngạch", ông Thanh nói và thông tin thêm, tỉnh đang tích cực liên hệ với một số doanh nghiệp thủy sản đề nghị tham gia thu mua mực, xuất khẩu đường chính ngạch.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng gửi văn bản đến Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đề nghị có các giải pháp giúp đỡ người dân.