Tác phẩm khai mạc Lễ hội Sông nước TP HCM, thu hút hơn 6.000 người tham dự, tại cảng Sài Gòn tối 31/5. Tiết mục gồm năm chương, kể câu chuyện về những chuyến tàu lịch sử gắn với loạt dấu mốc quan trọng của TP HCM. Trong đó điểm nhấn nằm ở phần ba Ra khơi, xoay quanh giai đoạn Văn Ba (bí danh của Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh) rời cảng Nhà Rồng để sang Pháp.
Mở đầu phần ba là cảnh nhộn nhịp ở bến cảng, nơi con tàu Amiral Latouche Treville neo đậu, năm 1911. Lúc này, Văn Ba (nghệ sĩ Trần Tuấn Lin đóng) gặp người bạn tên Lê, chia sẻ ý định sang Pháp và các nước châu Âu để học hỏi kinh nghiệm, sau đó sẽ trở về giúp đồng bào thoát khỏi cảnh lầm than. Văn Ba muốn rủ Lê đi cùng nhưng người bạn do dự. Hai người tạm biệt nhau trước khi Văn Ba theo những thủy thủ lên tàu.
Trong quá trình làm phụ bếp, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành lao động vất vả từ sáng sớm đến khuya. Khi những người khác nghỉ ngơi, anh dành thời gian đọc sách tiếng Pháp. Dù chặng đường nhiều sóng gió, Nguyễn Tất Thành vẫn cố gắng hoàn thành công việc, kiên định mục tiêu "hiểu rõ sự thật đằng sau ba chữ: Tự do - Bình đẳng - Bác ái mà người Pháp thường hay rao giảng".
Đại cảnh bến cảng có sự tham dự của hơn 200 người, gồm diễn viên múa chuyên nghiệp lẫn quần chúng. Mỗi người đảm nhận vai khác nhau, như bốc vác, kéo xe, tài xế, phối hợp ăn ý trên sân khấu lớn.
Êkíp tận dụng không gian trên bờ và dưới nước. Họ thuê một chiếc thuyền, sau đó chỉnh trang giống con tàu Amiral Latouche Treville, biểu diễn nhiều phân đoạn trên bối cảnh này. Ở cảnh sấm chớp trên tàu, phần ánh sáng được sử dụng để mô phỏng thời tiết khắc nghiệt.
Màn diễn xuất của Nghệ sĩ Ưu tú Trần Tuấn Lin gây ấn tượng với khán giả. Nghệ sĩ thể hiện nỗi băn khoăn của một người yêu nước qua biểu cảm gương mặt và giọng nói. Trong những cảnh khuân vác trên tàu, Trần Tuấn Lin bộc lộ sự mệt nhọc qua hành động, hình thể.
Nghệ sĩ từng nhiều lần vào vai lãnh tụ trong vở ca kịch Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ, kịch Cha, con và Tổ quốc, Bến đợi, chương trình nghệ thuật Lời Bác dặn trước lúc đi xa. Góp mặt ở Dòng sông kể chuyện, Trần Tuấn Lin cho biết không hề áp lực mà cảm thấy vinh dự và tự hào, cố gắng thể hiện tốt vai diễn.
Khán giả Huỳnh Mai, 66 tuổi, ở TP HCM, đánh giá chương ba được chăm chút về cốt truyện và hình thức trình diễn. "Mọi chi tiết cho thấy sự tỉ mỉ của êkíp, tạo nên không gian sân khấu sống động. Hình tượng Hồ Chí Minh trong từng phân cảnh khiến tôi tự hào về thành phố mình sinh sống", bà nói.
Ngoài chương về Nguyễn Tất Thành, trong hơn một tiếng, nhạc kịch tái hiện những câu chuyện, tôn vinh những con người gắn liền lịch sử thành phố và sông Sài Gòn.
Chương một Hạ thủy lấy bối cảnh thời nhà Nguyễn, có xưởng đóng tàu Chu Sư bên bờ sông. Chương hai Cập bến nhắc về sự kiện nhà cách mạng Tôn Đức Thắng (diễn viên Hồ Giang Bảo Sơn đóng) vận động công nhân xưởng đóng tàu Ba Son bãi công, đòi tăng lương, trì hoãn sửa chữa chiếc Đô đốc hạm Jules Michelet trong đoàn tàu chiến Pháp.
Chương bốn Dậy sóng tái hiện các trận đánh trên sông của chiến sĩ đặc công Rừng Sác, tôn vinh sự kiên cường, mưu trí của quân dân trong chiến tranh. Hình ảnh chuyến tàu Sông Hương - di chuyển từ Hải Phòng tới cảng Nhà Bè, chở 541 cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trở về sau ngày thống nhất đất nước - cũng được đề cập. Nhạc kịch kết thúc với chương năm Vươn xa, phản ánh sự phát triển của các thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu, đồng thời cho thấy khát vọng xây dựng quê hương của thế hệ trẻ.
Các đạo cụ được tái hiện với kích thước thật nhằm mang đến cảm giác chân thực, như chiếc tàu ở xưởng Chu Sư, các mô hình rừng cây, cá sấu. Hiệu ứng âm thanh, ánh sáng góp phần giúp tiết mục lôi cuốn người xem. Phân đoạn khiến khán giả bất ngờ là đoạn chuyển cảnh từ Rừng Sác sang chuyến tàu Sông Hương trong phần bốn Dậy sóng. Êkíp cho mô hình chiếc tàu đắm ra giữa sông và đột ngột phát nổ. "Tiết mục mãn nhãn và thú vị, tôi muốn xem lại lần hai", khán giả Ngọc Thịnh cho biết.
Phần âm nhạc là điểm sáng của tác phẩm. Chương một mở đầu bằng âm thanh của tiếng trống và kèn đồng, đưa khán giả về thời kỳ nhà Nguyễn. Bài Quốc tế ca trong chương hai mang đến sự hào hùng qua giọng ca của hơn 100 diễn viên. Chương ba dùng giai điệu phương Tây để gợi nhắc hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp.
Phần bốn mang đến màu sắc dân gian trong ca khúc Câu hát bông sen (sáng tác: Thanh Trúc). Chương năm là sự bùng nổ của âm nhạc hiện đại, với phần thể hiện của nhóm MTV, ca sĩ Noo Phước Thịnh. Về cuối, chương trình gây xúc động mạnh khi các ca sĩ, diễn viên nhí vừa hát ca khúc Vươn cao Việt Nam (Lưu Hà An sáng tác) vừa làm ngôn ngữ ký hiệu, truyền tải thông điệp về sự đoàn kết và tình yêu quê hương đất nước. Nhiều người rơi nước mắt trước màn đồng diễn của các em nhỏ.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết êkíp dành hơn sáu tháng nghiên cứu các chất liệu lịch sử, gặp gỡ chuyên gia để xây dựng kịch bản. Đội ngũ hướng tới dàn dựng đêm nhạc kịch theo xu hướng edu-tainment (kết hợp giữa giáo dục và giải trí) để du khách trẻ dễ tiếp cận những giá trị lịch sử, văn hóa. Các kỹ xảo điện ảnh, công nghệ như 3D mapping, hơn 1.000 drone trình diễn được ứng dụng, tạo trải nghiệm sống động cho người xem.
Khánh Vy, 23 tuổi, ở TP HCM, cho biết buổi biểu diễn mang đến cho cô hình dung rõ nét về các sự kiện và nhân vật. "Việc tìm hiểu lịch sử qua nghệ thuật không chỉ làm tăng thêm hiểu biết mà còn khơi gợi tình yêu và niềm tự hào dân tộc", Khánh Vy nhận định.
Lễ hội Sông nước TP HCM 2024 do Ủy ban nhân dân TP HCM chỉ đạo, Sở Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao cùng các ban ngành triển khai thực hiện. Sự kiện lần hai tổ chức từ ngày 31/5 đến 9/6, có chủ đề Chuyến tàu huyền thoại, diễn ra ở nhiều địa điểm như khu cảng Nhà Rồng Khánh Hội, Công viên Bến Bạch Đằng, Công viên bờ sông Sài Gòn, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Ngôi Sao Việt, Bến Bình Đông, Khu du lịch văn hóa Suối Tiên.
Quế Chi