"Khi hàng xóm hô vào nhưng chờ mãi máy vẫn hiện tỷ số 0-0, tôi mới nhận ra mình xem nhầm", Hà Văn Quyết (Hà Nội) chia sẻ. Trận đấu anh Quyết dự định xem là trận Việt Nam - Indonesia, trong khuôn khổ AFF Cup 2022. Tuy nhiên khi tìm trên YouTube, anh xem nhầm trận đối đầu giữa hai đội diễn ra từ SEA Games 31.
"Rõ ràng tiêu đề và ảnh đại diện đều ghi là trận đấu mới nhất, được phát từ một kênh có tiếng nên tôi mới xem", anh giải thích.
Anh Quyết không phải là trường hợp cá biệt. Thử tìm kiếm với từ khóa liên quan đến video trực tiếp trận "Việt Nam - Indonesia" tối 9/1, hàng chục kết quả xuất hiện ngay trên trang đầu YouTube. Tuy nhiên, không phải trang nào cũng phát đúng video của trận đang diễn ra. Dù có một số khác biệt về hình ảnh sân cỏ, màu áo của đội tuyển Indonesia là xanh thay vì đen, không ít người vẫn xem nhầm, bình luận cổ vũ hai đội bóng. Trong phần bình luận, ngoài tiếng Việt còn có các bình luận bằng tiếng Indonesia.
Ví dụ, kênh Trực Tiếp Bóng Đá - VTV cab phát hai video với tiêu đề "trực tiếp trận đấu hôm nay", "trực tiếp bán kết lượt về AFF CUP 2022". Có lúc, các video này thu hút lần lượt 50 nghìn và 26 nghìn người xem cùng lúc. Một kênh khác có tên On Sports Plus cũng phát trực tiếp video tương tự, thu hút hơn 12 nghìn lượt xem, trong khi kênh Tổng Cục Thể Dục Thể Thao thu hút khoảng 2 nghìn người xem. Nhiều kênh trong số này có hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên YouTube, từng là nơi phát nhiều trận đấu trực tiếp trước đây.
"Trước đấy tôi hay xem bóng đá từ kênh này, vì vậy mở YouTube là được gợi ý xem luôn. Không ngờ xem nhầm", Mạnh Đức (Hà Nội) nói.
Tình trạng phát các trận đấu giả trên YouTube không hiếm. Giai đoạn World Cup cuối năm ngoái, hàng loạt nội dung liên quan xuất hiện dưới dạng video và livestream trận đấu cũng xuất hiện, sử dụng tiêu đề nhấn mạnh chữ "trực tiếp", cùng biểu tượng chấm tròn đỏ, khiến nhiều người tưởng đang theo dõi trực tiếp bóng đá. Những video này có thể được tìm thấy qua Google Search hoặc trên khung tìm kiếm của YouTube.
Theo ông Khiêm, quản trị viên một cộng đồng người làm nội dung số tại Việt Nam, đây là chiêu trò quen thuộc của giới làm YouTube nhằm câu view, kiếm tiền quảng cáo. "Họ thường tận dụng khi có sự kiện lớn, nhiều người quan tâm để tạo livestream dù không có nội dung người dùng cần", ông Khiêm nói. Chẳng hạn, một số kênh từng bị chỉ trích vì giả mạo livestream siêu bão, đám tang các nghệ sĩ tên tuổi... Các video này sau đó bị xoá, nhưng trước đó có thể chủ kênh đã thu được tiền từ việc hiển thị quảng cáo.
Một người làm trong ngành nội dung số tại Việt Nam cho biết, một số kênh YouTube phát trận Việt Nam - Indonesia "giả" có sở hữu bản quyền các trận đấu SEA Games, vì vậy có thể họ không sai về mặt bản quyền. "Tuy nhiên với việc sử dụng tiêu đề và hình ảnh sai nội dung thực tế, họ có thể vi phạm quy định của YouTube và có thể sẽ bị xử lý", người này đánh giá.
Lưu Quý