"Tôi rất xúc động khi nhìn thấy mọi người, những người nhiệt huyết với cuộc tuần hành và biểu tình", Thunberg nói với các phóng viên tại thành phố Montreal, tỉnh Quebec, trước khi sự kiện bắt đầu. "Tôi có thể nói rằng đây là một ngày rất tuyệt".
Thunberg đến Canada sau khi dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Khí hậu tại New York, Mỹ. Tại Montreal, cô sẽ được thị trưởng Valérie Plante trao chìa khoá danh dự.
Theo các nhà tổ chức, nửa triệu người đã tham gia cuộc biểu tình ở Motreal, trong khi giới chức cho hay nó thu hút gần 315.000 người. Những con số này đã khiến sự kiện ở Motreal trở thành một trong những cuộc tuần hành vì môi trường có lượng người tham gia lớn nhất lịch sử.
Các trường học và đại học ở thành phố đều cho học sinh, sinh viên nghỉ học một số tiết hoặc nguyên ngày để biểu tình vì môi trường. Chính quyền và một số doanh nghiệp cũng khuyến khích nhân viên nghỉ làm để xuống đường. Các phương tiện công cộng miễn phí đi lại cho người tham dự.
Cuộc biểu tình phần lớn diễn ra một cách hoà bình, ngoại trừ việc một người đàn ông bị cảnh sát khống chế và bắt giữ vì cố tiếp cận Thủ tướng Justin Trudeau. Ngoài Montreal, hàng trăm nghìn người cũng tuần hành ở khắp các thành phố và thị trấn khác của Canada với gần 100 sự kiện dự kiến được tổ chức.
Léa Ilardo, 21 tuổi, một sinh viên hỗ trợ tổ chức cuộc tuần hành, hy vọng hoạt động này sẽ minh chứng cho tầm quan trọng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. "Tại sao chúng tôi phải đi học hay làm việc khi sự sống còn của nhân loại và hành tinh gây hoài nghi?", Ilardo nói.
Phong trào biểu tình vì môi trường mang tên "Những ngày thứ sáu vì tương lai" được Thunberg phát động cách đây một năm sau khi cô bé bỏ học và biểu tình bên ngoài quốc hội Thuỵ Điển vào thứ 6 hàng tuần. Phong trào sau đó lan rộng ra khắp các nước, thu hút hàng triệu học sinh tham gia.
Tuần qua, tất cả các chiến dịch chống biến đổi khí hậu đã đưa ra các chính sách môi trường của mình, từ cải thiện năng lượng trong gia đình đến thiết lập các mục tiêu khí hậu mới.
Climate Strike Canada, mạng lưới giám sát các nhóm học sinh và nhà hoạt động tổ chức tuần hành ở nước này, kêu gọi chính phủ từ bỏ tất cả các dự án khai thác hoặc vận chuyển nhiên liệu hoá thạch mới và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hoá thạch. Climate Strike Canada cũng kêu gọi chính quyền đến năm 2030 cắt giảm 75% lượng khí thải nhà kính so với năm 2005, trong khi mục tiêu hiện nay của Canada chỉ là giảm 30%.
Ilardo cho hay những học sinh đứng sau cuộc tuần hành hy vọng sự kiện sẽ góp phần tạo ra một sự đột phá. "Cuộc biểu tình này không phải là điểm kết thúc. Với chúng tôi, đó chỉ là sự bắt đầu", nữ sinh nói.
Anh Ngọc (Theo BBC)