Theo đánh giá của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương lúc 18h ngày 13/11, các tỉnh Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên là tâm của trận lụt lịch sử đang diễn ra 4 ngày qua. Dự báo phải đến 2 ngày nữa nước mới có thể rút ra khỏi nhiều nhà dân. Cần đến 4 ngày nữa sinh hoạt mới trở lại bình thường. 14h30 chiều nay, tuyến đường quốc lộ 1 đoạn Quảng Nam - Đà Nẵng và Quảng Nam - Quảng Ngãi mới được thông xe, sau 2 ngày gián đoạn.
Chiều nay, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã thông báo kể từ 13/11, sẽ ưu tiên nhận vận chuyển miễn cước hàng hóa cứu trợ trên các chặng bay từ Hà Nội và TP HCM đến Huế, Đà Nẵng. Hàng sẽ thông qua các tổ chức là Ủy ban Mặt trận tổ quốc, UBND các tỉnh thành, Hội chữ thập đỏ Việt Nam các cấp, Quỹ từ thiện của các cơ quan báo chí.
Quảng Nam:
Hiện còn 150.000 căn nhà bị ngập chìm. Hơn 600.000 nhân khẩu đang chờ được cứu đói. Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu miêu tả, kể từ cơn lũ lịch sử năm Thìn (1964) chưa thấy trận lụt nào ghê gớm như lần này. Năm 1999 cũng đã xảy ra một cơn hồng thủy ở Quảng Nam, song vẫn còn thấp hơn mực nước năm nay 0,2 cm. "Làm ăn dành dụm, tích cóp bao nhiêu năm nay, chỉ cần một đêm tài sản nhiều người dân đã trôi tuột xuống biển", ông Thu nghẹn ngào xót xa.Có 2 điểm đặc biệt của cơn lũ lần này được những người già ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đánh giá rất lạ so với quy luật lũ lụt trước đây. Đó là cường độ lên cao cực kỳ nhanh, chỉ trong vòng một đêm đã tràn ngập nhà hơn 1 m và tiếp tục lên thêm. Các gia đình bị ngập nhà xoay xở không kịp để sơ tán lương thực đồ đạc. Thứ 2, là chỉ trong vòng một tháng xảy ra đến 4 trận lụt lớn, không đủ thời gian cho người dân gượng dậy khắc phục hậu quả cơn lũ trước.
![]() |
Nước lụt tràn vào khu phố cổ Hội An. Ảnh: baoquangnam.com.vn |
Nhà ông Nguyễn Văn Dũng ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, bị sập hoàn toàn, trâu bò cũng bị nước cuốn đi mất. Ông Dũng kể, tối 9/11 khi nước lụt dâng nhanh, ông đã vội chuyển vợ con đến ở nhà các nhà kiên cố hơn, không kịp mang theo đồ đạc nhiều trừ vài bộ quần áo, ít gạo. 4 ngày qua lương thực đã hết, cả nhà ăn nhờ, ở nhờ nhưng hàng xóm cũng sắp hết lương thực.
Nhiều căn nhà ở huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An, Thới Sơn ngập hoàn toàn trong 4-5 m nước. Nhiều nhà bị cuốn trôi. Không ít gia đình phải leo lên nóc nhà trú. Toàn bộ điện ở vùng xã bị cắt, trừ huyện thị. Công tác hành chính, sinh hoạt, học hành bị hủy.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mấy ngày qua đã huy động 100 tàu cao tốc và lực lượng công an, bộ đội biên phòng, dân phòng hỗ trợ. Một chiến sĩ tham gia cứu trợ kể, khi thấy tàu cao tốc xuất hiện, gần như dân cả làng đều kêu cứu vang trời. "Tôi thấy run cả người vì nhiều người kể cả con nít phải ngồi trên mái nhà kêu cứu, trên thì mưa, dưới là nước", ông miêu tả.
30.000 người đã được lực lượng cứu hộ đưa đến nơi an toàn, tính đến chiều hôm nay. Hiện đã xác định có 9 người chết, 2 mất tích trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Nam cho hay, hiện nước chưa rút, chưa tiếp cận được nhiều địa bàn để nắm thông tin nên không thống kê được chính xác thiệt hại.
Tỉnh đã xuất 30 tấn mì gói để cứu đói cho dân, vì trong tình hình này chỉ có thể gửi mì để nhai sống. "Chờ vài hôm nữa nước rút mới có thể giúp gạo cho dân vì không thể nấu được", ông Thu cho biết. 3 đêm liên tiếp, các thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão không ngủ và liên tục đến địa bàn ngập lụt để đốc thúc cứu trợ.
Quảng Ngãi: Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Trương Ngọc Nhi cho hay, tính đến 16h chiều nay, đã có 9 người chết trong trận lụt lần này, trong đó có một người mất tích xác định thiệt mạng. 66 căn nhà bị sập hoàn toàn, đều là nhà bán kiên cố nằm ở các khu vực trũng. 86 trong số 186 xã, phường trên địa bàn bị chia cắt do nước ngập sâu, đường sá bị hư hỏng. 26 xã bị cô lập hoàn toàn.
Điều đáng lo nhất của Quảng Ngãi bây giờ, được ông Nhi miêu tả là bi kịch, tuyến miền núi Trà Bồng - Tây Trà đang bị chia cắt hoàn toàn. Hơn 50 km đường nối liền đồng bằng với Trà Bồng bị hỏng, đến chiều nay vẫn chưa sửa được. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. "Khổ nhất là nguy cơ đói. Nếu trong vòng một tuần nữa mà không sửa chữa thông đường ngay cho Trà Bồng, Tây Trà thì hơn 100.000 dân ở đây chắc chắn đói", ông Nhi cho biết.
Hiện báo cáo của lãnh đạo Trà Bồng, Tây Trà cho biết, lương thực dự trữ vùng chỉ còn đủ cho vài ngày nữa. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định tung hết lực lượng để thông xe tuyến đường miền cao này trong 2 ngày tới, để kịp đưa lương thực đến cứu đói cho dân.
Huyện đảo Lý Sơn 3 tuần qua cũng bị cô lập hoàn toàn với đất liền. Gió cấp 8, biển động, tàu thuyền không thể ra khơi để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho đảo. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh vẫn quyết định đóng cửa biển cho đến khi biển lặng mới có thể cho tàu ra đảo.
Chiều nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký quyết định chi 6,1 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo để cứu đói cho dân, khắc phục hậu quả cơn lũ. Ngày 15/11, dự kiến sau khi nước rút, số tiền và gạo này sẽ được phân phát cho dân. Lãnh đạo tỉnh cũng lệnh cho địa phương phải đưa gạo và tiền đến tận tay các hộ dân bị thiệt hại trong lũ lụt, nghiêm cấm ăn bớt, chặn hoặc trao nhầm đối tượng.
Bình Định: Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, các huyện miền núi như An Lão, Vân Canh bị thiệt hại nặng về nhà cửa và hoa màu do lũ lụt. Nhiều căn hộ sập hoàn toàn hoặc một phần. Huyện ven biển như Phước Hòa, Phước Thắng, Phù Cát cũng bị ảnh hưởng do nước dâng cuốn trôi hầu hết hồ nuôi tôm. Tỉnh đang thống kê thiệt hại, cứu trợ các gia đình khó khăn.
Phan Anh