Các nhà sinh vật tại Đại học Bang New Mexico đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân khiến hàng trăm nghìn chim di cư bỏ mạng, CNN hôm 15/9 đưa tin. Hiện tượng bí ẩn bắt đầu từ ngày 20/8, khi lượng lớn xác chim được phát hiện ở bãi phóng tên lửa White Sands và công viên quốc gia White Sands, theo Martha Desmond, giáo sư khoa Cá, Sinh vật hoang dã và Sinh thái tại Đại học Bang New Mexico.
Ban đầu các chuyên gia cho rằng đây chỉ là hiện tượng riêng lẻ. Tuy nhiên, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi họ tìm thấy thêm nhiều xác chim tại các khu vực thuộc bang New Mexico, trong đó có Dona Ana, Jemez Pueblo, Roswell và Socorro.
"Thật khủng khiếp. Lượng xác chim lên đến 6 con số. Chỉ dựa vào những gì đã thấy, chúng tôi cũng biết đây là sự việc vô cùng nghiêm trọng. Hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu con chim đã chết", Desmond cho biết. Xác chim di cư gồm sẻ, chim lam, hoét đen, chim đớp ruồi cũng xuất hiện ở Colorado, Texas và Mexico.
Desmond cùng đồng nghiệp và các nhà sinh vật tại bãi phóng tên lửa White Sands bắt đầu nhận dạng, phân loại và kiểm tra khoảng 300 xác chim hôm 12/9 để hiểu thêm về tình trạng của chúng khi chết.
Người dân và các chuyên gia thấy chim có hành vi kỳ lạ trước khi bỏ mạng. Ví dụ, những loài chim thường đậu trong bụi rậm hoặc trên cây lại lang thang trên mặt đất kiếm ăn và đuổi theo sâu bọ. Nhiều con tỏ ra lờ đờ, chậm chạp và bị xe đâm trúng. Số lượng này nhiều chưa từng thấy, Desmond cho biết. Ở sân golf của bãi phóng tên lửa, chim én, sinh vật chuyên ăn côn trùng trên không, chỉ ngồi trên mặt đất và để mặc con người đến gần.
Các nhà sinh vật cho rằng một trong những yếu tố góp phần khiến chim chết hàng loạt là thảm họa cháy rừng ở California và một số bang miền tây khác. Thảm họa có thể đã buộc chúng phải di cư sớm, trước khi thực sự sẵn sàng.
"Những con chim phải di cư sớm do thời tiết có thể không tích trữ đủ chất béo để sống sót. Một số thậm chí chưa kịp tích trữ năng lượng để bắt đầu chuyến bay nên bỏ mạng tại chỗ", Desmond nhận định. Một số con chim có khả năng phải thay đổi đường di cư, trong khi số khác hít khói và bị tổn thương phổi.
Cháy rừng và thời tiết khô hạn tại New Mexico có thể làm tăng số lượng chim chết. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh sự việc này. "Chúng tôi bắt đầu thấy các xác chim lẻ từ tháng 8 nên vẫn còn nguyên nhân nào đó ngoài thời tiết và chúng tôi chưa rõ đó là gì", Desmond nói thêm.
Xác chim sẽ được chuyển đến Phòng thí nghiệm Pháp Y Cá và Sinh vật hoang dã Mỹ ở Oregon để khám nghiệm và xác định nguyên nhân cái chết. Quá trình này có thể kéo dài vài tuần. "Sự việc chim chết hàng loạt là thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu góp phần gây ra chuyện này. Chúng ta đã mất 3 tỷ con chim ở Mỹ từ năm 1970 và số lượng côn trùng cũng giảm mạnh", Desmond nói.
Thu Thảo (Theo CNN)