Chiều 22/11, kết luận trên được Viện Pasteur Nha Trang đưa ra sau quá trình xét nghiệm kéo dài nhiều ngày, đối với 8 mẫu thực phẩm liên quan đến vụ ngộ độc.
Kết quả cho thấy vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và E. Coli có trong mẫu cánh gà chiên. Ngoài ra, vi khuẩn Bacillus cereus còn có trong mẫu nước mắm. Đây là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu (HBL: Hemolysin BL) và độc tố ruột không ly giải hồng cầu (NHE: Non-haemolytic enterotoxin). Bacillus cereus phân bố nhiều trong tự nhiên, nhiễm vào các loại thức ăn qua đêm hay trữ lạnh lâu, gây ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, ngành y tế xác định tác nhân gây bệnh cho học sinh trường Ischool Nha Trang là khuẩn Salmonella group. Nhiễm vi khuẩn Salmonella là trường hợp nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn gây ra, sau khi điều trị hết thì không để lại di chứng.
TS. Nguyễn Thị Hương Giang, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, cho biết phác đồ điều trị cho các bé là dùng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn Salmonella, thời gian điều trị khoảng 5 đến 7 ngày, tiếp tục cân bằng vi khuẩn đường ruột và chữa các triệu chứng.
Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, tính đến trưa nay, các bệnh viện tiếp nhận 662 học sinh trường Ischool ngộ độc sau bữa ăn trưa, trong đó một ca tử vong. Số học sinh đang điều trị là 137 (giảm 74 ca so với hôm qua); không còn trường hợp nặng. TS. Cao Văn Trung, Phó phòng Giám sát ngộ độc và thông tin truyền thông (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) đánh giá đây là vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất trong khối học đường.
Trước sự việc đặc biệt nghiêm trọng này, Công an tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện và cơ sở y tế tổng hợp số liệu, cung cấp thông tin về vụ ngộ độc; bệnh nhân điều trị; để phục vụ công tác điều tra.
Nhà chức trách cũng đề nghị các cơ sở y tế bảo quản tất cả mẫu máu của bệnh nhân, cung cấp hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu.
Bùi Toàn