9 địa phương ghi nhận gia súc chết là Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Hòa Bình và Nghệ An. Gia súc chết rét chủ yếu là trâu, bò, một số ngựa và lợn.
Lạng Sơn có số gia súc chết nhiều nhất với 158 con. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn cho biết trước đợt rét đã yêu cầu cán bộ đến các xã hướng dẫn bà con gia cố chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm, tích trữ thức ăn cho gia súc.
Tuy nhiên, tuần qua nền nhiệt Lạng Sơn phổ biến 4-7 độ, đỉnh Mẫu Sơn thấp nhất âm 2,9 độ C, băng giá suốt 4 ngày, gia súc thiếu thức ăn, một số nơi chuồng trại che chắn đơn sơ, nhiều hộ vẫn chăn thả tự do khiến trâu, bò, dê chết rét.
Với những trường hợp bị thiệt hại, Sở Nông nghiệp cho biết sẽ xem xét và hỗ trợ người dân theo đúng quy định. Trước đó mùa đông 2021-2022, Lạng Sơn có hơn 1.000 gia súc chết rét.
Tại Nghệ An, đến hết 28/1, gần 40 trâu, bò bị chết rét, tập trung tại hai huyện vùng biên giới Kỳ Sơn và Quế Phong. Riêng xã Tri Lễ, huyện Quế Phong có 11 gia súc chết. Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch xã Tri Lễ, cho biết số chết chủ yếu do gầy yếu, không có sức chống chọi với mưa rét.
Quế Phong hiện có hơn 36.750 con trâu bò. Mùa đông 2022-2023, huyện có hơn 1.000 trâu bò chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Rút kinh nghiệm, năm nay Trạm dịch vụ Nông nghiệp huyện đã đi từng xã kiểm tra việc tích trữ rơm rạ, trồng cỏ và xây dựng chuồng trại bảo vệ đàn gia súc.
Miền Bắc vừa trải qua 6 ngày rét hại, nhiệt độ trung bình ngày từ 13 độ trở xuống. Bốn ngày liên tiếp cả 25/25 tỉnh miền Bắc nhiệt độ thấp nhất dưới 10 độ C. Hàng loạt đỉnh núi cao trên 1.000 m như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Thượng Phùng (Hà Giang), Ô Quy Hồ (Lào Cai), Phia Oắc (Cao Bằng) xuất hiện băng dày.
Hôm nay, vùng đồng bằng đã thoát khỏi rét hại, chuyển sang rét đậm (trung bình ngày từ 15 độ trở xuống đến 13), vùng trung du và miền núi vẫn rét hại. Từ mai, trời ấm dần, riêng miền núi vẫn rét đậm trong 2-3 ngày tới.
Việt An