Thông tin trên được Bộ Xây dựng đưa ra tại cuộc họp tổ công tác của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, ngày 11/3.
Tổ công tác được lập từ cuối 2022, để giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp và một số địa phương trong thực hiện các dự án bất động sản. Theo Bộ Xây dựng, năm 2023, tổ này đã làm việc với 8 địa phương như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai... Đơn vị nhận được 142 báo cáo khó khăn và kiến nghị liên quan đến 191 bất động sản. Hai tháng đầu năm nay, tổ công tác đã xử lý 4 báo cáo liên quan đến 4 dự án.
TP HCM giải quyết khoảng 35% trong tổng số 220 dự án do tổ công tác và Hiệp hội Bất động sản TP HCM kiến nghị xử lý vướng mắc. Tại Hà Nội, 40% số dự án gặp khó khăn được xử lý. Trong đó, 81 dự án được đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động. 67 dự án khác được thành phố gia hạn thời gian sử dụng đất 24 tháng.
Tổ công tác cũng làm việc với một số doanh nghiệp, như Tập đoàn Novaland và Hưng Thịnh để gỡ khó cho các dự án tại Bình Thuận, Bình Định.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết hiện vẫn còn hàng trăm dự án bất động sản tiếp tục chờ tổ công tác và địa phương gỡ vướng. Hà Nội đứng đầu với 246 dự án, TP HCM có 143. Theo sau là Cần Thơ (34), Bình Định (16) và Hải Phòng (4).
Ngoài ra, nhiều địa phương đến nay vẫn chưa báo cáo kết quả tháo gỡ khó khăn, gồm Đà Nẵng, Bình Thuận, Đồng Nai.
Bộ Xây dựng cho hay, hầu hết vướng mắc chưa được giải quyết do các Luật Đấu thầu, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chưa có hiệu lực thi hành. Ngoài ra, một số địa phương chưa thành lập tổ công tác theo quy định. Nhiều tổ chức, người thực thi pháp luật không dám quyết định, giải quyết chậm vì sợ sai, sợ trách nhiệm, theo Bộ Xây dựng.
Từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu lao dốc khi hàng loạt dự án phải dừng hoặc hoãn tiến độ, thanh khoản kém. Năm ngoái, gần 1.300 doanh nghiệp địa ốc giải thể vì khó khăn. Giai đoạn khó khăn nhất hiện đã qua, song theo giới chuyên môn, thị trường vẫn tồn tại nhiều thách thức, như thiếu nguồn cung mới, mất cân đối giữa các phân khúc, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay.
Xử lý vướng mắc cho các dự án là một trong số giải pháp giúp thị trường này nhanh hồi phục. Vì thế, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc gỡ vướng, và báo cáo tổ công tác trước ngày 30/6. Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp thúc đẩy cho vay tín dụng với các doanh nghiệp địa ốc.
Với các doanh nghiệp, bộ cho rằng cần tiếp tục điều chỉnh phân khúc và giá bất động sản để tạo dòng vốn. Các chủ đầu tư cũng cần cơ cấu lại nguồn vốn để hoàn thành dứt điểm từng dự án, tránh đầu tư dàn trải, dở dang.
Ngọc Diễm