Vài ngày gần đây, cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn xuất hiện tình trạng ùn tắc container, chủ yếu là thanh long chờ thông quan để xuất sang Trung Quốc. Đến sáng nay (19/10), khoảng 500 container vẫn nằm chờ tại đây, kéo dài gần 5 km từ trước khi vào cửa khẩu đến khu vực phi thuế quan.
Theo ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó cục trưởng Hải quan Lạng Sơn, Tân Thanh là cửa khẩu chuyên về xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Tuần qua, container hàng thanh long đổ về với số lượng lớn do đang vào vụ thu hoạch ở các tỉnh phía Nam, có ngày lên đến 200 xe. Cùng với đó, Trung Quốc mới áp dụng chính sách kiểm tra phương tiện và hàng nhập khẩu chặt chẽ làm thời gian kiểm soát mỗi xe tăng lên 5 – 7 phút so với trước đây dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng.
"Hải quan đã phối hợp với các cơ quan tỉnh Lạng Sơn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thông quan hàng hoá. Hiện tiến độ thông quan đã cải thiện rất nhiều. Vài ngày trước chỉ được khoảng 100 xe, thì nay đã tăng lên được 200 – 250 xe", ông Vượng cho biết.
Tuy nhiên, ông lưu ý, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản cố gắng nắm bắt kịp thời tình trạng thông quan tại cửa khẩu, tránh đưa nhiều quá dẫn đến tình trạng phải chờ đợi làm tăng chi phí, giảm chất lượng hàng nông sản...
Đồng thời, các đơn vị phải khai báo đúng các loại hàng xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt với 9 mặt hàng nông sản mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc để không bị bắt giữ, giữ phương tiện, kéo dài thời gian xử lý rất phức tạp.
Hôm nay, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng dẫn đoàn công tác làm việc với tỉnh Lạng Sơn. Ông yêu cầu tỉnh phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để thông quan hàng hoá kịp thời, đảm bảo chất lượng.
"Tỉnh đã báo cáo đang làm việc rất tích cực với phía bạn. Vì vậy, tôi tin tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh sẽ sớm được giải quyết", ông Tiến cho hay.
Hồi cuối tháng 8, cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị, Lạng Sơn cũng xảy ra tình trạng tắc hàng, phần lớn là hoa quả, nông sản. Nguyên nhân là phía Trung Quốc cấp cho doanh nghiệp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) theo mẫu mới, khác mẫu trước đó. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp mang mẫu giấy C/O mới này đến cơ quan hải quan Việt Nam để làm thủ tục thì lại không được chấp nhận. Việc này khiến các container hàng của doanh nghiệp phải lưu lại ở cửa khẩu.
Anh Tú