Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), hiện khoảng 150 container hàng hóa của các doanh nghiệp thành viên VASEP đang lênh đênh trên tàu của Hanjin. Số lượng chủ yếu là hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, dự kiến cập cảng vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin nào về tình trạng lô hàng, điều này kéo theo nguy cơ không thể bàn giao đúng hạn cho đối tác.
Bà Trần Thị Kim Yến, Giám đốc Công ty TNHH NYD Logistics, cho biết khoảng 20 container của khách hàng ở khu vực Tây Nam bộ do doanh nghiệp này làm trung gian xuất khẩu sang các thị trường lớn đang bị vướng rải rác ở nhiều cảng biển của Malaysia, Singapore, Hàn Quốc… Để giải quyết tình trạng này, NYD Logistics đã tính đến giải pháp buộc chủ hàng “rút ruột” để đưa hàng vào một container khác, sau đó chuyển về Việt Nam hoặc đặt một tàu khác tiếp tục hành trình đến cảng cuối cùng.
“Hiện chi phí lưu kho cho một container tại cảng Singapore là 80 USD mỗi ngày. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn đang nằm đó bởi nếu xử lý theo cách trên thì chi phí phát sinh chuyển đổi, giấy phép… rất lớn. Cụ thể, chủ hàng phải trả 4.000 USD cho một container chuyển về nước và 7.000 USD cho một container tiếp tục sang châu Âu”, bà Yến nói.
Theo bà Đặng Phan Phương Chi, Phó giám đốc Công ty TNHH An Huy BT thì tình hình này khiến nhiều chủ hàng đứng ngồi không yên vì tiến thoái lưỡng nan. Hiện công ty này đang có 142 container chở thức ăn gia súc bị vướng tại cảng Busan (Hàn Quốc), không thể tiếp tục xuất đến cảng cuối nhưng cũng chưa chuyển về nước vì chi phí xấp xỉ đến 5.000 USD, gần bằng giá trị một container hàng.
Trong lúc một số doanh nghiệp lúng túng xử lý hàng xuất khẩu có liên quan đến hãng tàu biển Hanjin thì việc nhập và bốc dỡ hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam trên tàu Hanjin Chennai thả trôi ngoài bờ biển Vũng Tàu cũng gặp không ít khó khăn. Theo lịch trình dự kiến, con tàu này chở theo 733 container hàng đến TP HCM vào ngày 2/9, nhưng vì sợ bị giữ tàu nên HJS vẫn chưa cho cập cảng.
Trước luồng ý kiến đề xuất cơ quan chức năng phối hợp Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nên cho tàu Hanjin Chennai cập cảng để doanh nghiệp giải phóng hàng và bắt giữ tàu nhằm gây áp lực cho HJS, vớt vát khoản nợ trong trường hợp hãng tàu này chính thức phá sản, bà Bùi Thị Liên Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Hải Bằng – HabaSped Logistics, cho rằng nếu xử lý theo phương án này thì sẽ càng thiệt thòi cho doanh nghiệp.
“Khi chúng ta không cấp stay-order (một loại giấy cam kết không giữ tài sản của hãng tàu khi phá sản) để họ tiếp tục khởi hành sau khi bốc dỡ thì tàu sẽ không đồng ý cập cảng. Nếu thời gian chờ đợi kéo dài thêm thì phí bồi thường hợp đồng càng tăng thêm. Người thiệt nhất vẫn là doanh nghiệp Việt Nam”, bà Thủy nói.
Một số công ty hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm cho biết, việc tàu chậm cập cảng gần một tháng cũng có thể khiến họ mất trắng lô hàng. “Hàng thực phẩm luôn có hạn sử dụng, nên chậm hơn 20 ngày chắc chắn chất lượng không còn đảm bảo, chưa nói đến hư hỏng hoàn toàn. Chúng tôi giờ như ngồi trên lửa”, đại diện một công ty chia sẻ.
Bà Hà Xảo Châu, đại diện Công ty CP Quốc tế Gốm Sứ Việt, cho biết lô hàng 14 container trễ hẹn này khiến doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng về cả uy tín, giá trị giao dịch và đền bù hợp đồng. “Thất thoát đã xảy ra nên không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải chấp nhận. Nhưng điều chúng tôi muốn bây giờ là sớm nhận hàng để bàn giao cho đối tác càng sớm càng tốt, chậm trễ này ảnh hưởng cả một dây chuyền những công ty khác đang chờ nguyên liệu sản xuất”, bà Châu nói.
Ngoài những vướng mắc về hàng hóa, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn lo lắng về khoản nợ lớn của HJS. Sau khi có thông tin HJS đệ đơn xin phá sản, nhiều công ty và xí nghiệp cảng biển trong nước đã báo cáo nợ của hãng tàu này tính đến đầu tháng 9 cho Cục Hàng hải.
Theo số liệu thống kê, hiện HJS đang nợ tiền neo đậu, xếp dỡ hơn 67.000 USD của Công ty CP cảng Hải Phòng khoảng 67.000 USD; nợ Công ty CP đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ khoảng 2 tỷ đồng, Công ty CP cảng Nam Hải hơn 1,5 tỷ đồng…
Đại diện Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 (Cảng VICT) cho biết, hãng tàu HJS đang nợ khoảng 100.000 USD, nhưng công ty này xác định việc thu hồi nợ sẽ rất gian nan.
Đáng kể nhất là khoản nợ hơn 55 tỷ đồng đối với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Theo ông Võ Văn Thiệu, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, thì dù không từ chối nhưng HJS vẫn chưa chính thức lên tiếng xác nhận số nợ trên. Dù vậy, ông Thiệu cho biết công ty vẫn đang khoanh nợ để tập trung giải quyết hàng hóa, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp trong nước.
Theo Cục Hàng hải, hãng tàu Hanjin Shipping Global (HJS) của Hàn Quốc chiếm khoảng 5% thị phần vận chuyển hàng hóa của Việt Nam. Ngay khi HJS đệ đơn thụ lý tài sản và thông báo dừng nhận đơn hàng mới từ ngày 31/8, nhiều ngành hàng có khối lượng xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ và thủy sản… đến khu vực Đông Bắc Á, Mỹ bị tác động nghiêm trọng.
Trước đó, ngay khi hãng tàu Hanjin thông báo dừng booking hàng hoá mới từ ngày 31/8, Bộ Công Thương đã phát đi thông tin khuyến cáo các doanh nghiệp, chủ hàng khẩn trương hoàn thành thủ tục thông quan với những lô hàng nhập khẩu đã cập cảng và nhanh chóng giải phóng hàng ra khỏi container của Hanjin.
Với các lô hàng xuất khẩu đã đưa vào container của Hanjin, doanh nghiệp cần nhanh chóng lấy hàng và liên hệ với đối tác nước ngoài để có phương án lựa chọn, thay đổi hãng tàu cũng như lịch booking hàng hóa.
Phương Đông