Nữ bệnh nhân tên Tiểu Dư, 20 tuổi, là sinh viên đại học. Cô đến khám tại Bệnh viện Mắt Vũ Hán để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật cận thị. Ngoài ra, gần đây cô thường xuyên cảm thấy khó chịu trong mắt, phải dùng tay dụi.
Sau khi khám, bác sĩ chẩn đoán cô mắc bệnh keratoconus, một căn bệnh có thể gây mù mắt vì giác mạc bị bào mỏng.
Theo giáo sư Tăng Khánh Diên, Trưởng khoa Bề mặt Giác mạc và Nhãn khoa, bệnh nhân chỉ nhìn được bằng mắt phải, thị lực mắt trái là 0,3, tức là gần như bị mù. Bác sĩ còn tìm thấy lượng lớn dịch tiết ở chân lông mi, lỗ mi. Các tuyến meibomian (tuyến dầu nhỏ xếp dọc theo lề mí mắt) gần như bị bít.
![Nữ bệnh nhân Tiểu Dư được khám tại Bệnh viện Mắt Vũ Hán . Ảnh: Jimu News](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/02/28/m3uswylzxzmtrztfm1wqmtjehhl51w-6954-4725-1709090604.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=icxOjV7F5sCrGxNk2x8vFA)
Nữ bệnh nhân Tiểu Dư được khám tại Bệnh viện Mắt Vũ Hán . Ảnh: Jimu News
Giáo sư Tăng cũng phát hiện 20 con rận trên 8 lông mi. Như vậy, hai mắt bệnh nhân có thể chứa hàng trăm con rận. Tình trạng của mắt phải đặc biệt nghiêm trọng, giác mạc đã bị bào mỏng, độ dày chỉ còn bằng một phần 5 so với bình thường.
Bà kết luận nhiễm trùng rận nghiêm trọng ở mắt là nguyên nhân chính khiến Tiểu Dư cảm thấy khó chịu, thường xuyên dụi mắt. Tình trạng viêm bờ mi và độ ma sát từ tay khiến tình trạng trầm trọng thêm. Hiện chưa rõ vì sao rận ký sinh ở mi mắt nữ sinh.
Tiểu Dư được chỉ định ghép giác mạc sâu trên mắt phải, sau đó kết hợp dùng thuốc để điều trị viêm bờ mi Demodex ở cả hai mắt sau ca phẫu thuật.
Giáo sư Tăng giải thích keratoconus là một căn bệnh mạn tính, ít triệu chứng, tỷ lệ mắc cao ở trẻ em và thanh thiếu niên, dễ bị bỏ qua dẫn đến chậm điều trị. Nếu để tiến triển, bệnh sẽ trở nên trầm trọng, dẫn đến mỏng hoặc thủng giác mạc, thậm chí mù lòa. Giáo sư Tăng khuyến nghị khi cảm thấy khô mí mắt, lông mi, ngứa, đỏ và đau giác mạc, mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra để tránh hậu quả nghiêm trọng.
Thục Linh (Theo HK01)