Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi ngày 20/1, trong tình trạng mỏi mệt, mất nước, bụng chướng căng, bí trung đại tiện. Bác sĩ chẩn đoán bé tắc ruột do giun dẫn đến nhiễm trùng nhiễm độc nặng, tiến hành bù dịch, dùng kháng sinh kết hợp và chỉ định phẫu thuật.
Khi phẫu thuật, bụng bệnh nhân có nhiều dịch đục, các quai ruột giãn to, đoạn cuối hồi tràng bị hoại tử dài khoảng 10 cm, đoạn hồi tràng phía trên chứa đầy giun, tập trung thành từng búi gây tắc ruột. Các bác sĩ đã cắt đoạn hồi tràng bị hoại tử, lấy ra một số lượng lớn giun đũa đang sống bỏ đầy thau dung tích khoảng 2 lít. Sau mổ, bệnh nhi được theo dõi, hồi sức tích cực do tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc còn nặng.
Theo các bác sĩ, phụ huynh chú ý hơn trong việc chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh cho trẻ em. Nên tẩy giun định kỳ cho con em mình cũng như toàn bộ thành viên trong gia đình.
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, tỷ lệ nhiễm các loại giun sán ở nước ta hiện tại là rất cao. Ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc trung bình khoảng 65%, đồng bằng sông Hồng khoảng 41%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 26%, Tây Nguyên 28%, Đông Nam Bộ khoảng 13% và đồng bằng sông Cửu Long 10%.
Nhóm nguy cơ cao nhiễm giun là học sinh tiểu học, trẻ em tuổi mầm non và phụ nữ tuổi sinh sản.
Mỗi năm tẩy giun 2 lần cho trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và một lần cho trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi. Thuốc tẩy giun dùng cho trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi là Albendazole 200 mg hoặc Mebendazole 500 mg liều duy nhất. Người từ 24 tháng tuổi trở lên dùng Albendazole 400 mg hoặc Mebendazole 500 mg liều duy nhất. Một số trường hợp cụ thể, tùy vào vùng dịch tễ và loại giun mắc phải, bác sĩ có thể cho dùng thuốc tẩy giun nhắc lại sau một tháng.