Hôm 9/1, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết phát hiện thêm nhiều con giun tròn màu trắng cũng bám trên niêm mạc tá tràng, gây phù nề, xung huyết và chảy máu nghiêm trọng. Bệnh nhân được truyền một lít máu, bù điện giải, giảm tiết dịch vị và uống thuốc tẩy giun. Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe đã ổn định, chuẩn bị xuất viện.
Bác sĩ Đinh Thị Ánh Nguyệt, Khoa Tiêu hóa, cho biết ấu trùng giun móc có thể xâm nhập cơ thể qua da hoặc ăn uống thực phẩm nhiễm ấu trùng. Giun ký sinh trong dạ dày, đại tràng gây chảy máu tiêu hóa, thiếu máu mạn tính và suy kiệt. Mỗi con giun móc có thể làm mất 3 ml máu mỗi ngày. Bệnh nhân cũng có nguy cơ viêm loét dạ dày, tá tràng.
Dấu hiệu nhiễm giun bao gồm da xanh, niêm mạc nhợt, đau bụng thượng vị, chán ăn, khó tiêu. Khi ấu trùng xuyên qua da, có thể xuất hiện viêm da, ngứa và nốt đỏ kéo dài 1-2 ngày.
Chuyên gia khuyến cáo mọi người cần giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống, rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Sử dụng đồ bảo hộ khi tiếp xúc với đất, tránh sử dụng phân tươi bón ruộng vườn. Khám sức khỏe định kỳ hằng năm, tẩy giun đều đặn 2 lần/năm, mỗi lần cách nhau 4-6 tháng.
Thúy Quỳnh