Các "hiệp sĩ" trên đường phố TP HCM không giống như những hiệp sĩ thời trung cổ thường thấy qua phim ảnh hay sách báo. "Chiến mã" của họ là những chiếc xe máy. Họ đi dép tông làm bằng cao su chứ không phải ủng sắt. Thay vì khoác lên mình bộ giáp sáng loáng, họ mặc áo gió mỏng tang bay phần phật trong gió, theo Reuters.
Họ là lực lượng "công lý dân phòng" tình nguyện đuổi bắt những tên tội phạm cướp giật ở TP HCM và tỉnh Bình Dương lân cận, nơi người dân ngày càng than phiền về tình trạng tội phạm gia tăng và sự bất lực của cơ quan công quyền.
"Bất cứ khi nào nhận được cuộc gọi, tôi đều có mặt", Nguyen Thanh Hai, một "hiệp sĩ đường phố" cho biết mỗi ngày anh nhận được từ 50 - 100 cuộc gọi nhờ truy đuổi thủ phạm các vụ cướp giật, can thiệp vào các vụ liên quan đến tội phạm ma túy thậm chí bắt cóc. "Tôi nhận các cuộc gọi cả vào nửa đêm khi mà tôi gần như không mở nổi mắt".
Người đàn ông 47 tuổi này giữ một cuốn sổ ghi chép thông tin chi tiết về gần 4.000 tên tội phạm mà ông từng giúp cơ quan chức năng bắt giữ và giao nộp cho cảnh sát suốt 21 năm qua, dù "công việc bán thời gian" này không đem lại cho ông một đồng nào.
"Anh không nghĩ tới chuyện tiền bạc khi làm công việc này đâu", ông Hai nói.
Ông Hai là một trong số 30 "hiệp sĩ đường phố" ở TP HCM và khoảng 1.500 người hoạt động ở tỉnh lân cận. Họ gắn những chiếc còi hụ của cảnh sát và "độ" lại những chiếc xe máy để có thể tăng tốc lên tới hơn 170 km/h.
Những video quay cảnh "hiệp sĩ đường phố" truy đuổi tội phạm với tốc độ cao trên đường phố lan truyền trên mạng xã hội. Trong đó, một video cho thấy những tên trộm lượn lách giữa làn xe tải, xe ôtô trên đường cao tốc vành đai ngoằn ngoèo, theo sát chúng là các "hiệp sĩ" như ông Hai.
"Con trai tôi phấn khích vô cùng khi nó nhìn thấy tôi trên YouTube", Pham Tan Thanh, tài xế taxi 31 tuổi ở Bình Dương, làm "hiệp sĩ đường phố" trong thời gian rảnh rỗi. "Thằng bé luôn hỏi khi nào tôi ra ngoài (bắt tội phạm) nữa".
Những người đàn ông này không nghĩ mình là anh hùng nhưng họ trân trọng những trái sầu riêng mà người dân tặng để bày tỏ lòng cảm kích.
Công việc nguy hiểm
Dù tỉ lệ phạm tội ở Việt Nam thấp nhưng các vụ trộm cắp và những vụ phạm tội nhỏ đang hoành hành ở các thành phố lớn với dân số lên tới 8,6 triệu người như TP HCM. Năm ngoái, thành phố phía nam này đứng thứ ba trong danh sách các thành phố kém an toàn nhất thế giới, chỉ sau Caracas của Venezuela và Karachi, Pakistan, theo chỉ số của tổ chức Economist Intelligence Unit xếp hạng 60 thành phố.
Các nạn nhân, với tâm lý nôn nóng muốn mau chóng bắt được thủ phạm, đã cầu cứu các "hiệp sĩ đường phố" trước khi báo cho công an. "Cảnh sát có quá nhiều việc phải làm, chúng ta không thể đổ lỗi cho họ", Nguyen Viet Sin, có bố làm công an, bình luận. "Nếu tất cả mọi người đều chung vai gánh vác, xã hội sẽ tốt đẹp hơn".
Sin kể trong một lần chiến đấu với kẻ tình nghi, hắn đã tự rạch tay và chà máu lên vết thương hở của Sin. Sau đó, Sin mới biết nghi phạm là người nhiễm HIV, anh lo lắng mình đã bị nhiễm căn bệnh thế kỷ. "Lúc đó, tôi muốn từ bỏ việc này nhưng sau khi khỏe lại và xem các vụ cướp trên mạng xã hội, tôi lại lên đường", Sin nói. "Niềm đam mê của tôi không tắt".
Do luật pháp Việt Nam cấm công dân sở hữu và sử dụng vũ khí, công an đã huấn luyện nhiều "hiệp sĩ" về các vấn đề pháp lý cùng kỹ năng võ thuật để tự vệ vì họ có thể gặp nguy hiểm.
'Ăn vào máu'
Tháng trước, hai "hiệp sĩ đường phố" tại TP.HCM bị đâm chết và ba người bị thương nặng trong một vụ đụng độ với bọn trộm cướp. Người thân lo lắng và cầu xin các "hiệp sĩ" ngừng truy bắt tội phạm.
"Vợ chưa cưới bảo tôi đừng làm việc này nữa và tôi đồng ý", Mai Truong Xuan Huy, Việt kiều Mỹ làm việc cho một công ty cung cấp dịch vụ an ninh ở bang California, cho biết.
Ông Huy rời Việt Nam khoảng 20 năm trước, cứ đến hè lại quay về quê nhà để chiến đấu với tội phạm cùng các hiệp sĩ đường phố.
"Tôi cảm thấy tự hào mỗi lần tôi giúp đỡ ai đó, nhưng cũng rất mệt mỏi", ông nói tại một quán cafe ở tỉnh Bình Dương, nơi được coi là "tổng hành dinh" của các "hiệp sĩ đường phố". "Tôi từng bị xịt hơi cay, bị đánh vào đầu. Rất nguy hiểm và bọn cướp giờ trang bị vũ khí nhiều hơn trước. Đó không phải chuyện đùa".
Khi đang băn khoăn về việc rời nhóm, ông Huy bị cắt ngang suy nghĩ khi có hai người nhờ giúp đỡ. Ông và các chiến hữu nhảy vội lên xe máy và lao ra đường. "Tôi không đừng được. Nó ăn vào máu tôi rồi", người đàn ông 44 tuổi nói.
An Hồng