Hãng thông tấn Mỹ AP hôm 21/2 đệ đơn lên tòa án liên bang ở thủ đô Washington ngày 21/2, kiện ba quan chức Nhà Trắng gồm Chánh văn phòng Susan Wiles, Phó chánh văn phòng Taylor Budowich và Thư ký báo chí Karoline Leavitt.
Trong đơn kiện, AP cho rằng động thái cấm phóng viên tác nghiệp là vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, khẳng định hành động của hãng thông tấn Mỹ là nhằm "bảo vệ quyền độc lập biên tập được Hiến pháp quy định".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt trong buổi họp báo ngày 28/1. Ảnh: AFP
"Nhà Trắng đã yêu cầu AP sử dụng một số từ nhất định khi đưa tin, nếu không sẽ bị cấm tác nghiệp vô thời hạn. Báo chí và người dân Mỹ có quyền lựa chọn ngôn từ của riêng mình mà không bị chính phủ đáp trả", đơn kiện có đoạn.
AP cũng cáo buộc những hành động kiểm soát và trả đũa của Nhà Trắng là "mối đe dọa với quyền tự do của người Mỹ".
Thư ký báo chí Leavitt tuyên bố sẽ gặp hãng thông tấn Mỹ tại tòa. "Chúng tôi thấy mình đúng và sẽ đảm bảo rằng sự thật, tính chính xác luôn hiện diện ở Nhà Trắng hàng ngày", bà nói hôm 21/2 khi tham dự Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở thủ đô Washington.
Nhà Trắng ngày 14/2 tuyên bố hãng thông tấn AP bị cấm vào Phòng Bầu dục, chuyên cơ Không lực Một vô thời hạn vì vẫn dùng cách gọi "Vịnh Mexico", thay vì đổi thành "Vịnh Mỹ" theo sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, lệnh cấm không áp dụng với phóng viên ảnh và các nhà báo AP vẫn được vào khuôn viên Nhà Trắng.
AP tuyên bố sẽ không dùng cách gọi "Vịnh Mỹ", vì cái tên "Vịnh Mexico" đã xuất hiện từ lâu và các tổ chức quốc tế chưa công nhận tên mới. "Là hãng thông tấn đăng tải tin tức trên toàn thế giới, chúng tôi phải đảm bảo tên địa danh và thực thể địa lý dễ nhận biết với mọi đối tượng", hãng giải thích.
"AP từ chối tuân thủ luật. Một số thuật ngữ mà họ muốn sử dụng là lố bịch, thẳng thắn mà nói, tôi cho rằng chúng đã lỗi thời", Tổng thống Trump nói hôm 19/2.

Vị trí Vịnh Mexico. Đồ họa:Geopolitical Futures
Hiệp hội Phóng viên Chuyên trách Nhà Trắng (WHCA) và nhiều nhóm ủng hộ quyền tự do báo chí đã chỉ trích lệnh cấm cửa AP của chính quyền Trump, thúc giục giới chức xem xét lại lệnh này.
AP, một trong những hãng thông tấn uy tín nhất ở Mỹ, đã gắn bó với hoạt động của Nhà Trắng từ lâu, từng góp phần thành lập và đóng vai trò quan trọng trong nhóm phóng viên chuyên trách tháp tùng tổng thống Mỹ.
Theo AP, khái niệm "nhóm phóng viên chuyên trách Nhà Trắng" được biết tới lần đầu vào năm 1881, sau vụ cựu tổng thống James A. Garfield bị bắn. Khi đó phóng viên Franklin Trusdell của AP đã túc trực bên ngoài, lắng nghe và chia sẻ thông tin cho các phóng viên khác.
Thùy Lâm (Theo AFP)