Trước đây, bán hàng rong trên đường bị cấm hoàn toàn tại nhiều thành phố vì mất vệ sinh, lộn xộn, nay Trung Quốc đang khuyến khích sự trở lại của loại hình dịch vụ này.
Chỉ hai tuần sau khi Linda Xiong đăng bài về kinh nghiệm bán hàng vỉa hè, khoảng 900 người đã tham gia nhóm thảo luận của cô trên mạng xã hội Xiaohongshu. Họ bàn về các địa điểm lý tưởng để mở quán và những mặt hàng được ưa chuộng. Một số người hy vọng có thể có thêm nghề tay trái sau giờ làm, số khác lại muốn bán hàng toàn thời gian.
"Tôi thực sự không muốn làm việc văn phòng nữa", một người chia sẻ. "Tôi vừa mất việc", người khác nói.
Xiong bắt đầu bán hàng trên đường phố từ 2020 khi Trung Quốc thúc đẩy "kinh tế vỉa hè" để giải quyết nạn thất nghiệp những ngày đầu dịch Covid-19. Gần đây, hàng quán vỉa hè nhộn nhịp trở lại sau khi Trung Quốc từ bỏ chính sách zero-Covid.
Cuối tháng 2, Thượng Hải công bố kế hoạch chi tiết cho phép cá nhân mở các gian hàng có trật tự. Chỉ ba tháng trước, thành phố dỡ lệnh cấm hàng vỉa hè trong quy định sửa đổi liên quan đến cảnh quan đô thị.
Đối mặt với áp lực từ thị trường việc làm và theo đuổi lối sống khác biệt, nhiều người trong độ tuổi 20 và 30 tìm đến đường phố để kiếm kế sinh nhai. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 16-24 tuổi tại Trung Quốc duy trì ở mức 16,7% vào tháng 12/2022, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị là 5,5%.
Bất chấp nền kinh tế đang hồi phục, nhiều người dự đoán thị trường việc làm sẽ khó khăn hơn khi 11,6 triệu sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. Một khảo sát từ công ty tuyển dụng Zhaopin cho thấy, khoảng 47% trong số 50.000 nhân viên công sở Trung Quốc lo ngại mất việc làm năm nay, tăng từ 38,9% một năm trước đó.
Theo giáo sư Shi Lei của Trường Kinh tế thuộc Đại học Phục Đán, bán hàng vỉa hè chỉ phù hợp để tái sử dụng không gian khi đêm xuống và giao thông đã vãn. Các thành phố đều chịu áp lực phục hồi kinh tế và kích thích tiêu dùng. Dù bán hàng vỉa hè không phải thứ mà chính quyền có thể dựa vào để tăng trưởng, chúng lại giúp mọi người tăng thu nhập, điều vô cùng quan trọng với những ai đang phải đối mặt với tiền lương suy giảm. Họ sẽ không tăng thêm gánh nặng cho chính phủ.
Vẫn theo ông Shi, kinh tế ban đêm do người trẻ dẫn dắt sở hữu tiềm năng lớn. Nhờ nâng cao nhận thức, kinh tế ban đêm không gây ra nhiều vấn đề như trước, bao gồm làm xấu hình ảnh của thành phố và tăng lượng rác thải.
Hồi năm 2020, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khen ngợi thành phố Thành Đô vì đã tạo ra 100.000 việc làm nhờ thiết lập 36.000 gian hàng di động.
Sự trở lại của kinh tế vỉa hè cũng mang đến nhiều thách thức như bất cập trong quy hoạch tổng thể, dịch vụ, phí gian hàng cao. Theo quy định mới của Thượng Hải, chính quyền các quận sẽ chỉ định một số khu vực công cộng, chẳng hạn khu vực cho người đi bộ, không gian bên ngoài các chợ thực phẩm để bán hàng tạm thời. Các khu vực quan trọng như quanh đường lớn, trường học và bệnh viện vẫn cấm hàng rong.
Chính quyền quận cũng phải cân nhắc để hài hòa vấn đề cảnh quan đô thị và vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, an toàn công cộng, nhu cầu của người tiêu dùng. Tại khu vực nông thôn, chính quyền có thể chỉ định một khu vực để dân làng, nông dân, trang trại gia đình, hợp tác xã và các thực thể khác bán nông sản. Tất cả đều phải tuân thủ quy định quản lý của địa phương.
Alice Peng, chủ cửa hàng bán đồ trang sức trực tuyến, cho biết hầu hết các điểm thu lệ phí vài trăm tệ mỗi ngày, khá cao nếu ngày nào đó ế ẩm. Tuy nhiên, nếu đến những nơi không thu phí, họ không chỉ bị chengguan (nhân viên làm việc trong cơ quan quản lý đô thị) xua đuổi mà còn rất vắng khách.
Với Xiong, điều hành một cửa hàng khá mệt mỏi nhưng cũng đáng. Xiong từng làm thu ngân với mức lương 8.000 tệ mỗi tháng. Hiện tại, dù thu nhập không ổn định, có ngày không kiếm được đồng nào, những ngày khá khẩm có thể bán được hơn 1.000 tệ. Hơn nữa, cô tự do hơn và tin rằng việc kinh doanh sẽ tốt hơn khi thời tiết ấm lên.
Huy Phương (Theo SCMP, Global Times)