Sáng 10/7, phòng trọ rộng 20 mét, thuộc tổ 11, phường Phúc Xá chỉ có vài phụ nữ ngồi ủ rũ trên những tấm phản được kê tạm bợ dưới nền xi măng. Chị Hiền, Ý Yên (Nam Định) cho biết, trước đây, gian phòng này lúc nào cũng có gần 30 người. Nhiều hôm đông đến nỗi chỉ cần ra ngoài vào là mất chỗ.
"Trước đây, sáng sớm mọi người đã dậy, 9-10h tối mới lục tục kéo nhau về. Nay, gần 10h sáng nhiều người vẫn ở nhà. Hàng ế, nhiều người đã bỏ về quê", chị Hiền nói.
Đã 5h chiều gánh nhãn vẫn đầy ắp. Ảnh: Xuân Tùng |
5h chiều, trời vẫn nắng gắt. Dựng xe nhãn còn đầy ắp trong con ngõ nhỏ thuộc phường Phúc Xá, chị Lê Thị Thủy (quê Hưng Yên) tay cầm chiếc nón rách quạt liên hồi. "Cả ngày chỉ dám loanh quanh ngoài đê nên tôi chưa bán được gì", chị nói.
Đang có thai tháng thứ 6, bụng đã vượt mặt nhưng hàng ngày chị vẫn chở xe hoa quả đi từ sáng đến tối mịt. Chồng chị cũng lên Hà Nội lái xe ôm, hai đứa con nhỏ gửi ông bà ở quê. Chị Thủy cho biết, trước kia khi thành phố chưa cấm hàng rong, mỗi ngày kiếm được 70.000-80.000 đồng. Nhưng nay, ế hàng, hụt cả vốn, phần lớn người bán hàng rong trong khu trọ của chị đã bỏ về quê.
Đặt gánh dưa sát bức tường ngăn cách khu vực cầu Chương Dương với nội thành Hà Nội, chị Dương Mai Thanh, Yên Mỹ, Hưng Yên cho biết, thay vì đi rong trên phố, hiện chị phải vào các ngõ, ngách. "Từ đầu tháng đến giờ không ai dám đến các khu phố cấm. Đầu tuần, mấy chị cố tình vi phạm, công an thu hết cả xe lẫn hàng".
Chị Thanh cho biết, cũng tính đến chuyện vào chợ buôn bán, nhưng không đủ tiền đóng phí và cũng rất khó tìm chỗ. "Thành phố nên quy hoạch các chợ nhỏ gần khu dân cư cho chúng tôi buôn bán. Nếu cấm triệt để hoặc dồn hàng rong vào ngõ ngách thì cuộc sống của nhiều dân nghèo càng khốn khó", chị nói.
Trời nhá nhem tối, nhưng gánh dưa của chị Thanh cũng vẫn còn nguyên. Ảnh: Xuân Tùng |
Theo thống kê của công an quận Hoàn Kiếm, phường Chương Dương và Phúc Tân có gần 500 nhà trọ cho người lao động ngoại tỉnh tá túc, phần lớn làm nghề bán rong, gánh hàng thuê. Ông Lê Trung Sơn, Phó chủ tịch UBND phường Chương Dương cho biết, phường có 16 khu dân cư thì có tới 147 nhà trọ, với khoảng 1.000 người. Sau thời điểm 1/7, số bỏ về quê đã lên đến 40%.
"Cũng có một số quay lại nhưng để nghe ngóng tình hình. Nếu thành phố làm không quyết liệt, họ sẽ hành nghề trở lại, vì gánh hàng là nguồn thu nhập chính của cả gia đình", ông Sơn nói.
Ngày 1/7, khi ra quân chiến dịch cấm bán hàng rong, buôn bán trên vỉa hè, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: "Thành phố không chủ trương loại người bán hàng rong ra khỏi địa bàn mà muốn tập trung quản lý để đảm bảo văn minh, thanh lịch cho thủ đô".
Theo ông Thảo, trước đây người dân Hà Nội đã quen với việc ngồi một chỗ có hàng loạt gánh hàng rong đi qua buôn bán. Những việc thành phố đang làm là thay đổi thói quen đó. "Người dân bỏ chút công sức đi ra các ngõ, nơi các gánh hàng rong có thể tập trung để mua đồ chính là đang giúp cho thành phố".
Xuân Tùng - Nguyễn Hưng