Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 7 tuyên bố sẽ khôi phục án tử hình sau 15 năm ngừng thi hành. Tuy nhiên, một thẩm phán liên bang tại thủ đô Washington D.C tuần trước ra phán quyết chống lại kế hoạch này, không cho phép thi hành bốn án tử hình đã được lên lịch.
Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu giữ nguyên quyết định thi hành án và tuyên bố sẽ kháng cáo. Tuy nhiên, nhiều nhà tù ở Mỹ đang duy trì một biện pháp trừng phạt không khác gì án tử hình đối với những phạm nhân vượt ngục, đó là hàng rào điện.
Chính phủ Mỹ đầu tháng 11 kêu gọi các công ty đấu thầu dự án tân trang hàng rào điện tại một trại cải tạo liên bang ở thành phố Tucson, bang Arizona. Theo kế hoạch, lớp hàng rào thứ nhất chỉ gây sốc điện, không đe dọa tính mạng những người tìm cách vượt qua. Lớp thứ hai phát ra dòng điện cao áp có cường độ mạnh gấp nhiều lần so với ghế điện tử hình, giết chết tù nhân vượt ngục ngay tại chỗ.
![Hàng rào điện bao quanh nhà tù Corcoran ở bang California. Ảnh.KPCC](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/11/29/earthquake-7617-1574994569.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OpIx6OP9qejxBZNW_wswWg)
Hàng rào điện bao quanh nhà tù Corcoran ở bang California. Ảnh: KPCC.
"Ban quản lý nhà tù được phép dùng các biện pháp có thể gây chết người để ngăn tù nhân vượt ngục", Justin Long, người phát ngôn Cục Trại giam Liên bang Mỹ (BOP), cho biết. Ông Long từ chối nêu con số cụ thể nhưng tiết lộ hơn 7 nhà tù liên bang đã trang bị hàng rào điện.
Giống như nhà tù liên bang, nhiều trại giam ở các bang có hàng rào điện bao quanh. Bang California có 24 nhà tù với hàng rào phát ra dòng điện 5.000 volt, còn hàng rào tại các nhà tù bang Missouri có điện thế 5.100 volt.
"Ghế điện tử hình chỉ dùng dòng điện 1.700-2.400 volt trong 30-60 giây là đủ kết liễu một mạng người. Hàng rào điện như thế này không khác gì án tử hình dành cho tù nhân vượt ngục", theo nghiên cứu năm 2001 của chuyên gia Milo Miller thuộc Đại học bang Missouri.
Nhiều bang ở Mỹ cho phép dùng "vũ lực gây chết người" để ngăn chặn tù nhân vượt ngục, nhưng quy định chỉ áp dụng trong tình huống "thật sự cần thiết". "Sử dụng súng hoặc hình thức vũ lực khác cần có sự cân nhắc của con người. Tuy nhiên, hàng rào điện không thể suy nghĩ, đánh giá tình hình để đưa ra quyết định", theo Miller.
Các hàng rào điện gây chết người được sử dụng từ đầu thập niên 1990 để tiết kiệm chi phí vận hành nhà tù. Một số nhà tù ở bang Alabama, Arkansas, California, Nevada và Missouri sử dụng chúng hơn hai thập niên qua.
Tại California, hàng rào điện đầu tiên được lắp đặt vào năm 1993 trong chương trình trang bị 19 hàng rào điện tại các nhà tù của bang, giúp tiết kiệm 42 triệu USD mỗi năm (tương đương 79 triệu USD ngày nay). BOP áp dụng chương trình tương tự cho các nhà tù liên bang kể từ năm 2006.
Hàng rào điện giúp thay thế đội ngũ nhân viên đứng canh ở chòi gác, những người nhận lương 70.000 USD/năm tại một số nhà tù, chưa kể phụ cấp làm thêm giờ và chế độ hưu trí hào phóng. Trong khi đó, hàng rào điện chỉ tốn chi phí xây dựng ban đầu và phí vận hành khiêm tốn.
Tuy nhiên, đây lại là mối lo ngại đối với các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền. Alison Leal Parker, giám đốc phụ trách "Chương trình Mỹ" của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho rằng sử dụng hàng rào điện gây chết người là vi phạm luật nhân quyền quốc tế vì thiết bị tự động này không thể thay thế quyết định và đánh giá của con người. Nick Schwellenbach, chuyên gia tổ chức phi chính phủ Program on Government Oversight, thậm chí còn ví hàng rào điện giống như "cỗ máy giết người tự động".
Nila Bala, chuyên gia luật tại Viện nghiên cứu R Stree, cảnh báo nguy cơ hàng rào điện không phục vụ đúng mục tiêu chính là ngăn chặn tù nhân vượt ngục. "Tù nhân có thể lợi dụng hàng rào điện chống lại nhau hoặc tự sát", Bala nói.
Hàng rào điện còn là mối đe dọa đối với các loài chim và động vật nhỏ xung quanh nhà tù. Trong vòng 5 năm sau khi bang California lắp hàng rào điện tại 25 trong số 33 nhà tù từ năm 1993, khoảng 3.000 con chim di trú đã bị điện giật chết, theo thống kê Cục bảo vệ Cá và Động vật Hoang dã Mỹ.
Steven Van De Steene, chuyên gia về ứng dụng công nghệ trong trại giam ở Bỉ, cho rằng ban quản lý nhà tù nên áp dụng mô hình cải tạo "năng động". "Điều này đồng nghĩa với việc tập trung vào xây dựng và tăng cường sự tin tưởng giữa cán bộ trại giam và tù nhân. Nếu bạn đối xử với con người như động vật, họ sẽ hành xử như con vật", ông Steene nói.
Trân Châu (Theo Quartz)