Thứ năm, 28/3/2024
Thứ năm, 9/9/2021, 10:10 (GMT+7)

Hàng quán TP HCM ngày đầu bán mang đi

Sáng 9/9, sau hai tháng dừng, một số cửa hàng đồ ăn bắt đầu mở cửa bán mang đi cho khách thông qua dịch vụ giao nhận, nhưng số lượng chưa nhiều.

Lúc 7h30, quán phở trên đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) nhiều khách xếp hàng mua. Đây là một trong số ít quán trên tuyến đường này mở cửa, trong ngày TP HCM cho loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động 6-18h hàng ngày theo hình thức bán mang đi. Đa số những người mua đều có nhà ở gần quán.

Trước đó, từ 9/7 sau thời gian cấm quán ăn phục vụ khách tại chỗ, để tiếp tục siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16, chính quyền TP HCM yêu cầu các cửa hàng bán đồ ăn dừng bán mang đi. Bởi nếu tiếp tục, các shipper xếp hàng đợi trong không gian hẹp, khó đảm bảo giãn cách, nguy cơ lây nhiễm cao.

Chủ quán kê bàn ngăn ngay cửa để hạn chế tiếp xúc gần. "Ngày đầu bán lại do chưa có nguyên liệu nhiều, người mua cũng chỉ là bà con quanh đây với shipper nên tôi chỉ bán 100 tô, chưa bằng một nửa so với trước kia", bà Lợi nói, tay liên tục múc phở vào bịch cho khách.

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh hoạt động phải theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ kinh doanh qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Thành phố kéo dài thời gian thực hiện giấy đi đường đã cấp đến hết ngày 15/9.

UBND TP HCM giao Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra, giám sát các phường, xã, thị trấn trong việc xác nhận trường hợp đủ điều kiện được phép hoạt động kinh doanh.

Tại tiệm hủ tiếu trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), chị Linh, chủ quán tất bật chế biến món, sau hơn hai tháng phải đóng cửa.

"Tối qua nghe tin thành phố cho bán mang về nên tôi vội đặt ít thịt, xương heo, nấu khoảng 50 tô hủ tiếu. Chủ yếu là bán cho mấy người nuôi bệnh ở Bệnh viện Ung bướu", chị Linh nói.

Anh Trí là một trong những khách đầu tiên đến quán mua hủ tiếu mang về. "Tôi chăm người thân trong bệnh viện, bữa giờ toàn ăn bánh mì, cơm hộp trong căn tin nên ngán lắm. Nay biết hàng quán được bán lại nên đi bộ ra mua sớm đổi khẩu vị bữa sáng", anh nói.

Cách đó khoảng 4 km, lò bánh mì của ông Tâm trên đường Lê Quang Định có nhiều người đến mua. Theo chủ lò, khi thành phố chưa giãn cách, mỗi ngày lò ra hơn 22.000 ổ bánh, nhưng hiện tại giảm hơn một nửa. "Sắp tới tôi sẽ tăng số lượng và bán thêm bánh mì thịt, trứng ốp la, chả giò... để phục vụ nhu cầu mua về của bà con", ông Tâm nói.

Nhân viên trong tiệm liên tục đổ bánh mì vừa nướng ra khỏi lò để kịp nhu cầu của khách mua. Mọi người thường mua từ 5 đến 10 ổ.

Ông Hoàng (góc phải) mua 7 ổ về cho gia đình ăn sáng. "Bữa giờ cả nhà đa phần ăn bánh mì không thôi, món này tiện lợi mà không tốn tiền", người đàn ông 45 tuổi nói.

Tại quán phở nằm ở đường Bùi Bằng Đoàn, phường Tân Phong, quận 7, nhân viên quán đã dậy từ 3h30 để chuẩn bị cho ngày đầu mở cửa lại. Trong gian bếp rộng chừng 30 m2, bốn người tất bật thái bắp hoa bò, nấu nước dùng, cắt bánh phở và đóng gói cho khách hàng.

Đầu bếp Vương Đại Tam (31 tuổi) cho biết, do chuẩn bị gấp rút nên quán thiếu thịt bò tái, nạm, xương bò và nhiều loại rau nêm. "Do nhiều chỗ cung cấp nguyên liệu chưa mở nên quán có gì bán đó", anh Tam nói.

Nhân viên quán phở giao đồ cho shipper. Để đảm bảo nguyên tắc phòng dịch, quán đã chuẩn bị nước rửa tay, sát khuẩn hàng hóa tại ngay lối vào.

Tại cửa hàng bánh ngọt trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), các loại bánh ngọt, bánh mì, xôi, chả giò... được bày bán từ sớm cũng thu hút nhiều người đến mua.

Theo nhân viên cửa hàng, trong những ngày giãn cách tiệm vẫn hoạt động để bán cho lực lượng dân quân, bộ đội tham gia chống dịch và các bếp ăn từ thiện. "Nay lượng khách đến mua lẻ đông hơn mọi ngày, do họ biết được mua mang về", một nhân viên nói.

Quỳnh Trần - Đình Văn