Anh Hoàng, chủ tiệm bún chả cá trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp, TP HCM) cho biết, 3 tháng đầu năm nay, lượng khách dùng món ăn tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10-20% qua mỗi tháng.
"Sở dĩ doanh số ngày càng phát triển, ngoài món ăn của cửa hàng ngon, lạ miệng, việc nở rộ các ứng dụng đặt thức ăn đã giúp đơn hàng tăng mạnh. Nếu trước đây chỉ khách quen gọi giao hàng theo số hotline của cửa hàng thì nay tôi có đăng ký cả 3 dịch vụ Grabfood, GoFood, Now", anh Hoàng nói và cho biết, với các dịch vụ này, quán cũng yên tâm khi khách đặt hàng. Mặt khác, cửa hàng cũng tiết kiệm được nhân công đi giao hàng.
Cũng phấn khởi khi doanh số liên tục tăng trưởng, chị Thanh, chủ cửa hàng bún đậu mắm tôm trên đường Phan Văn Trị (Gò Vấp) cho biết, hiện nay 60% doanh số bán hàng của cửa hàng chị đến từ các dịch vụ giao hàng, 40% là khách đến quán.
"Lý do khiến đơn hàng từ các ứng dụng giao hàng cao hơn vì khách được hưởng nhiều ưu đãi, khuyến mãi. Mặt khác, thay vì chỉ áp dụng một ứng dụng đặt hàng như trước đây thì món bún đậu có thể bán được ở trên 3-4 app. Dù lợi nhuận trên món không cao như bán tại cửa hàng nhưng đổi lại lượng khách mua hàng đông", chủ cửa hàng trên chia sẻ.
Không chỉ hàng quán hưởng lợi, ngay cả tài xế tham gia giao hàng cũng cho biết thu nhập thông qua dịch vụ gọi thức ăn của họ cao hơn hẳn so với chạy xe thông thường. Anh Hòa, một nhân viên giao hàng cho biết, ngoài tham gia chạy xe ôm công nghệ, anh còn tham gia giao thức ăn 3 tiếng vào buổi trưa và chiều nên mỗi ngày kiếm thêm 150.000 - 300.000 đồng. Đặc biệt, những khách hàng thân thiện còn thường xuyên "tip" thêm mỗi khi nhận hàng ưng ý.
"Giao đồ ăn phải chạy trong quãng đường ngắn, nhưng bù lại người giao được hãng hỗ trợ, đảm bảo doanh thu 25.000 - 45.000 đồng một cuốc xe. Ngoài ra, với những đơn hàng thanh toán không thành công chúng tôi vẫn được đền bù hợp lý", anh Hòa bộc bạch.
Nằm trong danh sách được hưởng lợi từ ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn, các đơn vị thanh toán cho biết doanh thu, lợi nhuận đến từ các ứng dụng này không hề nhỏ. Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở TP HCM cho biết, năm 2018 lợi nhuận ngân hàng của ông tăng trưởng tốt nhờ phần thu từ các ứng dụng gọi xe trên thị trường. Vị này cũng cho rằng, dù số lượng phần trăm lợi nhuận thu được trên mỗi lần sử dụng của khách hàng khá nhỏ nhưng thị trường gọi xe, giao đồ ăn phát triển "thần tốc" khiến lượng người thanh toán qua thẻ tăng đột biến, kéo theo lợi nhuận được chia cao.
Hiện trên thị trường có khá nhiều ứng dụng gọi xe chia "miếng bánh" giao nhận thức ăn. Khảo sát của Kantar TNS vào tháng 4/2019 cho thấy, GrabFood là thương hiệu giao nhận thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam với 81% lựa chọn, tiếp đến là Now của Foody.vn và GoFood của Go-Viet.
Theo thống kê của Grab, kể từ khi có thêm dịch vụ GrabFood, thu nhập của các đối tác tài xế GrabBike tăng lên khoảng 23% và lợi nhuận của đối tác nhà hàng, quán ăn cũng tăng 300% trong vòng 2 - 3 tháng. GrabFood đã phủ sóng ở 15 tỉnh, thành trên cả nước, còn Go Food dù mới tham gia cũng đã nhận được gần 6 triệu đơn hàng.
Thị trường giao đồ ăn Việt Nam liên tục nóng khi giữa tháng 5 vừa qua có thêm tân binh đến từ Hàn Quốc - Woowa Brothers. Đơn vị này cũng đã triển khai ứng dụng giao đồ ăn BAEMIN tại Việt Nam sau khi thâu tóm Vietnammm.
Dự báo của Euromonitor, thị trường giao nhận đồ ăn Việt Nam cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới. Sang năm 2020, lĩnh vực này sẽ đạt giá trị khoảng 38 triệu USD.
Thi Hà