Không có gì lạ nếu chồng cô, Misha, một sĩ quan công binh Ukraine 40 tuổi, không gọi về cho gia đình trong nhiều ngày, nhưng Slyshyk tin rằng anh sẽ liên lạc vào ngày 14/1 nếu còn sống và khỏe mạnh.
"Đó là sinh nhật tôi. Chắc chắn anh ấy sẽ gọi điện để chúc mừng. Nhưng tôi đã mơ thấy ác mộng và linh cảm chuyện chẳng lành. Một ngày sau, tôi nghe tin anh tử trận khi bảo vệ thành phố Soledar", Slyshyk nói.

Góa phụ Olga Slyshyk cùng con trai trả lời phỏng vấn ở Kiev, thủ đô Ukraine, ngày 10/4. Ảnh: AFP
Slyshyk, 30 tuổi, là một trong số ngày càng nhiều phụ nữ Ukraine góa chồng, sau hơn một năm chiến sự.
Cả Nga và Ukraine đều không công bố số liệu về binh sĩ tử trận. Theo tài liệu mật bị rò rỉ gần đây, Mỹ ước tính khoảng 17.500 quân nhân Ukraine đã thiệt mạng. Sau khi chồng mất, Slyshyk tham gia một nhóm trực tuyến dành cho góa phụ gồm 300 người. Số thành viên của nhóm hiện tăng gấp đôi.
Slyshyk cho biết những ký ức về chồng luôn ám ảnh cô. "Đôi khi tôi gọi tên anh ấy khi làm việc nhà", cô nói.
Daria Mazur, 41 tuổi, hay tin chồng là Pavlo qua đời khi nhìn thấy ảnh thi thể đẫm máu của anh trên truyền thông vào năm 2014, sau cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga ở vùng Donbass.
"Thời gian không chữa lành vết thương, chỉ có thể làm quen, học cách sống chung, chấp nhận nỗi đau đó là một phần của bản thân mình", Mazur nói, chỉ tay vào những tấm ảnh chụp chồng đang mỉm cười với những đứa con.
Cô đã có linh cảm xấu sau khi Pavlo nói tình hình chiến trường đang rất mong manh. "Hãy hứa với anh rằng em sẽ hạnh phúc dù có chuyện gì xảy ra với anh đi nữa", cô nhớ lại lời Pavlo. Đó là cuội trò chuyện cuối cùng giữa hai vợ chồng.

Góa phụ Daria Mazur trả lời phỏng vấn ở Kiev, thủ đô Ukraine, ngày 11/4. Ảnh: AFP
Oksana Borkun, người mất chồng trong chiến sự, đã thành lập tổ chức hỗ trợ góa phụ "We Have to Live" (Chúng ta phải sống). Tổ chức của cô hiện có gần 1.000 góa phụ trên toàn quốc tham gia. Họ quyên góp tiền, hỗ trợ hậu cần và tinh thần lẫn nhau, chủ yếu hoạt động trực tuyến.
"Những phụ nữ này đang phải đối mặt với vô số nỗi đau khiến họ có thể hóa điên. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, họ muốn chia sẻ với những người đồng cảm", Borkun cho biết.
Với Slyshyk, gia đình chồng là chỗ dựa tinh thần lớn nhất. Mẹ đẻ của cô sống ở Donetsk, thành phố phe ly khai thân Nga đã kiểm soát từ năm 2014. Bà không ủng hộ Ukraine trong chiến sự.
Dù Misha đã qua đời vài tháng, Slyshyk vẫn bị giằng xé khi tự hỏi liệu sự ra đi của chồng có xứng đáng hay không. "Misha nói anh ấy ra tiền tuyến vì tôi và con", cô nhớ lại. Chồng cô khẳng định Ukraine không còn lựa chọn nào khác ngoài kháng cự Nga.
"Nhưng nếu anh ấy muốn tôi ổn và an toàn, tôi cần anh ấy bên cạnh chứ không phải ở nơi khác. Cảm xúc của tôi vẫn rất hỗn loạn", Slyshyk nói, cố kìm nén nước mắt.
Đức Trung (Theo AFP)