Thứ tư, 24/4/2024
Thứ bảy, 9/7/2022, 00:00 (GMT+7)

Hàng nghìn tàu cá nằm bờ vì bão giá xăng dầu

Đang mùa đánh bắt hải sản, tuy nhiên hàng nghìn tàu cá dọc các tỉnh miền Trung phải nằm bờ, ngư dân đi làm thợ đụng qua ngày vì giá xăng dầu quá cao.

Tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), khoảng 550 tàu cá của ngư dân nhiều tỉnh miền Trung về neo đậu. Nhiều tàu đậu gần một tháng vì giá xăng dầu cao, đi khơi xa không đủ bù lỗ chi phí.

Thống kê từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước trải qua 17 đợt điều chỉnh với 13 lần tăng, 4 lần giảm. Hiện mỗi lít xăng E5 RON 92 là 30.890 đồng, RON 95-III 32.760 đồng, tăng lần lượt 8.340 và 9.470 đồng so với cuối năm 2021. Tương tự, dầu diesel 29.610 đồng, tăng trên 12.000 đồng so với cuối năm ngoái.

Một số tàu cá cắt cử người ở lại trông coi, cũng có tàu phó mặc. Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, ngoài giá xăng tăng, hải sản đánh bắt về gặp khó trong khâu xuất khẩu nên giá không thể tăng. Nhiều tàu thuyền chủ động về quê nhà neo đậu để giảm chi phí phát sinh nếu ở lại Đà Nẵng nằm bờ.

Ông Trần Sảng (54 tuổi, quê Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) vào bờ neo tại âu thuyền Thọ Quang hơn một tháng qua. Hàng ngày, ông lên bờ đi làm thợ đụng, hôm phụ sửa tàu, hôm đi khơi thả lưới thuê miễn có tiền trang trải cuộc sống. Cậu con trai học xong lớp 4 vào Đà Nẵng thăm cha nhưng ông không có thời gian và tiền cho đi chơi.

"Làm ăn bây giờ thật khó khăn", ông Sảng nói, cho biết nếu giá xăng dầu không giảm, nhà nước không hỗ trợ thì không dám ra khơi.

Ông Thái Đình Quý, chủ tàu 460 CV ở Đà Nẵng, đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, cho biết năm nay mới đi được 4 chuyến biển. Do giá xăng dầu cao, ba tuần trước ông cùng 7 thuyền viên về bờ, chạy tàu vào sông Hàn (đoạn giữa cầu Rồng và cầu quay sông Hàn) neo tạm. Gia đình gom 300 triệu đồng mua lưới mới, chờ giá xăng xuống để tiếp tục ra khơi. Tuy nhiên, trưa 30/6, một tàu cá đậu bên cạnh bốc cháy, lan sang tàu của ông Quý.

Hỏa hoạn thiêu rụi ngư cụ vừa sắm, cháy hết cabin và làm hư thiết bị định vị. Lửa cũng làm hư máy tàu, phải thuê thợ mở ra làm lại. Tổng thiệt hại hơn 500 triệu đồng. "Nếu giá nhiên liệu không tăng cao, tàu không phải nằm bờ thì tàu nhà tôi đã không bị hỏa hoạn", ông Quý nói.

Tương tự tại Quảng Nam, những ngày này âu thuyền An Hòa, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, có hơn 100 tàu cá nằm bờ. Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, tỉnh có hơn 3.000 tàu cá, song số tàu nằm bờ vì giá xăng dầu tăng cao đến nay chưa thống kê cụ thể.

Tàu không ra khơi, trời nắng nóng nên ngư dân mặc "áo khoác" cho chúng. Toàn thân tàu được che bạt, vải tránh nắng.

Ông Võ Quang Phúc, 43 tuổi, dùng gàu tưới nước làm mát thân tàu. "Tàu đi đánh bắt được lau chùi, ngấm nước nên gỗ không bị co lại. Từ khi nằm bờ, mỗi ngày hai lần tôi phải tưới nước để tránh hư hỏng", ông nói.

Theo ngư dân này, mỗi chuyến biển mua hơn 1.200 lít dầu. Từ đầu năm đến nay, ông đi được hai chuyến khi giá dầu dưới 25.000 đồng/lít, sau đó dầu tăng lên thì tàu nằm bờ.

Tàu của ông Nguyễn Văn Phụng, 40 tuổi, công suất trên 700 CV nằm bờ hơn một tháng nay. Lúc rảnh rỗi, ông cùng một lao động mang keo bít lại các lỗ hở, chờ dầu giảm để ra khơi.

"Chưa năm nào tàu nằm bờ nhiều như vậy", ông Phụng nói và kể ba năm trước dầu tăng lên gần 20.000 đồng/lít, nhưng sau đó hạ xuống. Còn lần này, tăng liên tục, hơn 30.000 đồng/lít, cao chưa từng thấy.

Tỉnh Quảng Bình có đội tàu cá đánh bắt xa bờ hùng hậu với hơn 1.200 chiếc. Hiện, hơn 350 chiếc nằm bờ với nhiều lý do như không có bạn tàu, hải sản không được mùa, giá thấp, trong đó nguyên nhân chính vẫn do giá nhiên liệu tăng cao quá sức chịu đựng của ngư dân.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Bình, dự báo thời gian tới số tàu cá nằm bờ còn tăng cao. "Có một số nghề tiền dầu chiếm 70% chuyến biển, dầu tăng lên 50% nghĩa chuyến biển tăng lên 130%, mà giá cá không tăng bao nhiêu", ông Linh nói.

Khu neo đậu tàu ở cảng Gianh, huyện Bố Trạch, có hàng chục tàu của tỉnh Quảng Bình và một số cặp tàu giã cào của tỉnh Quảng Ngãi neo đậu. Giã cào thường hành nghề theo cặp, dùng máy công suất lớn nên tốn nhiều nhiên liệu. Ngoài ra, nhóm nghề dùng đèn như chụp mực, vây, mành… cũng tiêu tốn nhiên liệu thắp sáng. Đây là nhóm tàu nằm bờ nhiều nhất.

Ngư dân Nguyễn Văn Dũng chia sẻ trước đây với tàu công suất 730CV, mỗi chuyến đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa cần 7.000-8.000 lít dầu, tổng chi phí 120-130 triệu đồng bao gồm dầu, lương thực, thực phẩm. Đến nay, chi phí tăng lên đến 220-230 triệu đồng mỗi chuyến.

Hoàng Văn Minh, 34 tuổi, đi phụ sửa chữa tàu để kiếm sống qua ngày. Anh cùng với hai người khác hùn vốn sắm chiếc tàu thu mua hải sản 5,5 tỷ đồng, công suất hơn 1.000 CV. "Mỗi chuyến biển giờ tăng 30% chi phí, trước là 90 triệu đồng, nay lên 130-140 triệu đồng. Nhiều chuyến đi không thu mua được, về không đủ vốn", anh Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Quốc, làm việc trên tàu bán dầu tại cảng Gianh, cho biết mấy tháng nay ngư dân ra khơi ít, lượng dầu bán ra không nhiều, hoạt động kinh doanh ngưng trệ.

Dù giá nhiên liệu tăng cao, anh Nguyễn Văn Thuận, 45 tuổi, trú TP Đồng Hới, vẫn chấp nhận ra khơi để giữ bạn và giữ nghề. Để giảm chi phí, anh Thuận ra khơi cùng với con trai và thêm một bạn nghề, thay vì hai như trước. Mỗi chuyến biển 5 ngày, mỗi người chỉ dư khoảng 1,5 triệu đồng.

"Đi biển vất vả, nguy hiểm, xa nhà mà tiền công không bằng thợ xây ở trên bờ", anh Thuận thở dài nói.

Tàu cá nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao
 
 

Tàu cá nằm bờ do giá nhiên liệu tăng. Video: Hoàng Táo - Nguyễn Đông - Đắc Thành

Nguyễn Đông - Đắc Thành - Hoàng Táo