Lượng khách đến quán ăn tăng gấp đôi, thu nhập vượt trội,
có thời gian chăm sóc gia đình là những thay đổi sau khi nhiều
chị em tham gia “Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp”.

3h sáng, chị Ánh (37 tuổi, Vĩnh Long) thức dậy, chuẩn bị nguyên liệu để mở hàng cháo lòng. "Vất vả nhưng thu nhập gấp 5 lần năm ngoái", chị kể về nguồn động lực.

Năm 2023, hai vợ chồng mượn một số vốn nhỏ để mở quán bán cháo lòng, cơm tấm và bún thịt nướng. Dù có năng khiếu nấu ăn, đám tiệc nào của người thân xóm giềng cũng tham gia làm bếp nhưng chị Ánh thiếu kiến thức kinh doanh, nên những ngày đầu quán không nhiều khách. “Mỗi ngày, hai vợ chồng chỉ bán được hơn 10 phần cháo lòng và hơn 10 phần cơm tấm, nhiều hôm ế đến mức chán nản”, chị Ánh nhớ lại.

Chị Ánh là một trong hàng nghìn phụ nữ thay đổi cuộc đời nhờ tham gia “Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp”, sau lời giới thiệu của Hội phụ nữ địa phương.

Chị Ánh vẫn nhớ, hôm chị mang hai món cơm tấm và cháo lòng tới cho đầu bếp của chương trình phân tích và nhận xét, chị được mọi người khen nấu ngon, nêm nếm vừa phải và cứ thế tiếp tục phát huy, chỉ cần thay đổi cách kinh doanh. Chị được hướng dẫn chi tiết về cách xác định khách hàng, phân tích đối thủ cạnh tranh, cách phân bổ thời gian, nguồn vốn hợp lý... Từ đó, chị đã biết cách tiết kiệm thời gian chuẩn bị nguyên liệu, ghi chép tiền vào, tiền ra cụ thể từng ngày, quản lý tốt doanh thu.

Chương trình còn hỗ trợ chị hai chiếc ô lớn, để che nắng che mưa cho khách ngồi ăn, một số nồi niêu xong chảo để nấu nướng, một số nguyên liệu gia vị và 3 triệu đồng. Số tiền này giúp chị trả nợ vay khi mở quán đồng thời làm mới quán ăn để thu hút khách hơn. Dần dần, lượng khách tăng lên gấp đôi, khách hàng ăn một lần lại nhớ quay lại. Như ông bà Thanh ở Cần Thơ, mỗi lần có việc qua Long Hồ đều nhất định vào quán chị ăn cháo và mua mang về vì không thấy quán cháo lòng nào hợp khẩu vị mình như quán chị.

“Thu nhập từ quán ăn đã gấp đôi so với trước khi có sự hỗ trợ của Maggi", chị Ánh chia sẻ, dù giờ đây chỉ còn mình chị bán và buộc phải bỏ món cơm tấm vì không có người nướng thịt, do chồng chị đã kiếm được việc ở một doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh tăng thu nhập, giờ đây chị Ánh còn có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Thời chị làm công nhân, mỗi ngày ra khỏi nhà từ sáng sớm và 7 giờ tối mới về đến nhà, nhà cửa lúc nào cũng bừa bộn, hai con phải tự lo cho nhau đi học. Bây giờ, 10h sáng, chị đã thu dọn xong hàng, có thể đi đón con gái học lớp 4 khi anh cháu đã vào đại học. “Buổi chiều tôi có nhiều thời gian dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho chồng con”, chị Ánh chia sẻ.

Cùng với chị Ánh, nhiều phụ nữ khác cũng thấy cuộc sống thay đổi sau cuộc gặp cùng Maggi. Chị Bích Ngọc, chủ quán hủ tiếu chị Ngọc, tại tỉnh Vĩnh Long cho biết quán ăn với sự hỗ trợ từ Maggi đã trở thành chỗ dựa thu nhập vững chắc cho cả gia đình. Chị Ngọc từng làm công nhân theo ca kíp, công việc, thời gian không ổn định nên thu nhập không đều, cuộc sống thường thiếu trước hụt sau. Năm 2023, chị quyết định khởi nghiệp với xe hủ tiếu. Ban đầu, chị nấu theo bản năng, món ăn có hương vị không ổn định giữa các ngày nên lượng khách cũng ít ỏi. Tham gia chương trình, chị nhận được sự hướng dẫn từ đầu bếp Maggi để nêm nếm bài bản, chuẩn vị, giúp thu hút nhiều thực khách hơn. Chị chia sẻ, giờ đây, chị đã có một nguồn thu nhập ổn định, đồng thời có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. “Chương trình đã đồng hành với tôi ngay từ những bước đầu chập chững mở quán, giúp tôi có thêm kiến thức kinh doanh và tự tin hơn vào kỹ năng nấu nướng của mình", chị Ngọc chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, 37 tuổi tại Bến Tre cũng thấy cuộc đời thay đổi sau khi “gặp” Maggi vào năm 2022. Đam mê nấu nướng, chị ấp ủ mở quán nhiều năm nhưng không đủ tự tin để thực hiện. Những kiến thức chị thu lượm được sau khi tham gia tập huấn cùng chương trình, cộng với sự hỗ trợ vật chất – tài chính từ Maggi giúp chị có động lực bước ra khỏi vùng an toàn của gian bếp nhà, để mở quán hủ tiếu, cháo lòng. Nhờ quán ăn, chị đã nhân đôi được thu nhập cho gia đình. Bản thân chị cũng cảm thấy “tự tin và hạnh phúc hơn” khi tự kiếm được tiền mà vẫn chu toàn việc gia đình, vẫn có thể tiếp tục là người nội trợ tại gia và hỗ trợ chồng bán trái cây nhà trồng như trước đây.

Từng thành công với mô hình quán ăn nhỏ, nhiều phụ nữ tiếp tục gặt hái thêm thành công sau khi tham gia chương trình. Chị Thúy An (36 tuổi, Vĩnh Long) đã nhiều năm duy trì quán hủ tiếu đông khách nhờ mặt bằng rộng, nấu ăn ngon nổi tiếng trong vùng. Để đảm bảo việc kinh doanh, chị thuê thêm hai người phụ quán.

Với quan điểm "Phụ nữ thành công nhưng không ngừng học hỏi”, chị đăng ký tham gia chương trình và đã học được nhiều kiến thức để tiết kiệm được nửa thời gian làm việc nhưng thu nhập không đổi. “Sau khi tham gia tập huấn, tôi đã biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, chuẩn bị nhanh hơn, rút gọn thời gian. Trước đây, tôi phải dậy từ 2h sáng để chuẩn bị. Còn bây giờ dậy từ 4h kém mọi việc vẫn trơn tru”, chị An chia sẻ. Thậm chí, giờ đây chị còn phát triển thêm món bánh canh, nui để thực đơn phong phú hơn.

Chương trình “Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp” là một phần trong khuôn khổ chương trình ”Nestlé đồng hành cùng phụ nữ’’ do nhãn hàng Maggi (thuộc công ty Nestle Việt Nam) kết hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Bắt nguồn từ cam kết chung về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” được triển khai từ tháng 12/2020, giúp hàng nghìn phụ nữ, nhất là khu vực nông thôn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, bắt nhịp với chuyển đổi số và tạo lập sinh kế bền vững.

Với tầm nhìn truyền cảm hứng cho phụ nữ Việt và hỗ trợ chị em làm nên cơ nghiệp từ chính căn bếp của mình, từ năm 2022 chương trình “Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp" đã được thí điểm triển khai tại hai tỉnh Bến Tre và Nghệ An.

Đại diện Hội LHPN Việt Nam (bìa trái) và Nestlé Việt Nam (bìa phải) cùng công
bố triển khai mô hình dịch vụ gia đình Cùng Maggi Nấu nên cơ nghiệp.

Theo đó, chương trình tổ chức miễn phí các buổi tập huấn nhằm giúp nâng cao kỹ năng nấu nướng cũng như cung cấp kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp cho chị em phụ nữ. Chương trình còn hỗ trợ vốn cho nhiều chị em phụ nữ mở mới hoặc nâng cấp quán ăn, từ đó phát triển bản thân, xây dựng mô hình dịch vụ gia đình, góp phần xây dựng kinh tế gia đình và truyền cảm hứng cho cộng đồng.

“Thông qua ‘Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp’, chúng tôi mong muốn tiếp thêm động lực và những sự hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ, nhất là các chị em có đam mê nấu nướng và mong muốn khởi nghiệp”.

Bà Lê Bùi Thị Mai Uyên

Giám đốc Dự án hỗ trợ phát triển
nông thôn, Nestlé Việt Nam

Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Gia đình Xã hội, hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, từ kết quả năm đầu và đến năm thứ hai, chương trình đã có sự phát triển rõ rệt. Nhiều tỉnh thành chủ động đăng ký để được tham gia chương trình. “Chúng tôi xác định mô hình ‘Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp’ như một mô hình dịch vụ gia đình, từ đó góp phần giảm tải những công việc không được trả công của phụ nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện cho chị em có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình”, bà Thủy nói.

Tính đến hết năm 2024, chương trình đã có mặt tại 15 tỉnh thành trải khắp ba miền Bắc Trung Nam, tiếp cận được hơn 25.500 chị em, đào tạo – cung cấp kiến thức cho hơn 14.000 người, hỗ trợ mở mới quán ăn cho 110 người. 110 người khác cũng được chương trình hỗ trợ xe đẩy khi chưa tìm được mặt bằng mở quán.

Riêng năm 2024, chương trình mở rộng quy mô, mở rộng địa bàn thêm 9 tỉnh. Mức tài trợ của Maggi dành cho chương trình trong riêng năm nay là 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một điểm đột phá mới của năm nay chính là tập trung đẩy mạnh tập huấn trực tuyến, xóa bỏ mọi rào cản về địa hình, điều kiện, giúp chị em tại nhiều nơi có thêm cơ hội tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng bổ ích, để ngày càng tự tin hơn, tự chủ hơn, tự mình hạnh phúc hơn.

Nội dung: Kim Anh - Thiết kế: Hải Đăng