Sáng nay, trao đổi với VnExpress, ông Bùi Đình Quang (Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, chiều qua, lợi dụng tình hình căng thẳng trên biển Đông, một nhóm người quá khích đã kích động công nhân kéo đến nhà máy Formosa gây hấn với kỹ sư, người lao động đang làm việc tại đây dẫn đến xô xát.
“Một người Trung Quốc thiệt mạng. Nhiều người khác bị thương gồm cả người Việt và người Trung Quốc, trong số này có các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ”, ông Quang thông tin. Khoảng 22-23h, vụ hỗn loạn đã được kiểm soát. “Trật tự được vãn hồi sau khi chúng tôi huy động lượng lớn công an, quân đội, biên phòng vào cuộc”, ông Quang nói.
10h30 sáng nay, bộ đội biên phòng tiếp tục siết chặt an ninh ở khu kinh tế Vũng Áng, kiểm soát người và xe ra vào. Khu ký túc xá khép kín cho người Trung Quốc được thiết lập hàng rào bảo vệ. Khu vực trước cổng chính, nơi xảy ra biểu tình, không còn cảnh tụ tập đông người.
Một số công nhân tại doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan, Trung Quốc đã nhận được thông báo "tạm thời nghỉ làm".
Nói về tình hình hỗn loạn chiều qua, một công nhân làm việc tại đây cho VnExpress biết, hơn 14h chiều, anh thấy 3 thanh niên cầm cờ đỏ sao vàng, đứng chặn công nhân ở cổng khu công nghiệp Vũng Áng không cho vào làm việc. Nhóm này sau đó kích động, kêu gọi đi biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên vùng đặc quyền của Việt Nam. Ít phút sau, cả nghìn công nhân đã đình công dây chuyền, tràn ra đường hô vang các khẩu hiệu “Tôi yêu Việt Nam - Hướng về Biển Đông”, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam”...
Đến 18h30, một xe khách hơn 30 chỗ chở công nhân Việt Nam và người Trung Quốc tan ca di chuyển ra phía ngoài, song đã bị đám đông chặn lại. "Nhóm thanh niên biểu tình quá khích đã chặn lại và kéo người trên xe xuống hành hung, khiến 17 người bất tỉnh", một phiên dịch viên làm việc tại Vũng Áng kể lại.
Anh này cho hay, một số người quá khích đã vào các công ty đang xây dựng, đập phá và đốt hai lò cao trong nhà máy luyện gang thép. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy có mặt kịp thời, tuy nhiên, khoảng 22h đám cháy mới được khống chế. Hàng trăm cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, bộ đội biên phòng cùng nhiều lực lượng được huy động đến bảo vệ an ninh.
Theo nguồn tin của VnExpress, hơn 70 người được cho là gây rối, quá khích đã bị Công an Kỳ Anh bắt để điều tra hành vi đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ... Cơ quan điều tra đang phân loại, xét hỏi để làm rõ động cơ của nhóm người này. Vụ án Gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ… xảy ra tại Vũng Áng đã được khởi tố.
“Yêu nước là tốt, là đáng hoan nghênh nhưng kích động gây rối, đập phá tài sản là hành vi sai trái, vi phạm pháp luật cần phải ngăn chặn”, Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh nêu quan điểm. Công an, biên phòng đã thông báo cho người dân hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về vấn đề biển đảo để không xảy ra những diễn biến xấu khiến mọi việc lại phức tạp hơn.
Bộ Công an đã chỉ đạo tăng cường lực lượng tại Vũng Áng. Qua vụ việc xảy ra tại Bình Dương, Hà Tĩnh và nhiều địa phương, Bộ Công an đề nghị tuyên truyền, vận động công nhân, người dân biểu thị lòng yêu nước với thái độ đúng mực, bình tĩnh, kiềm chế. Bộ yêu cầu tăng cường lực lượng triển khai ngay các biện pháp cần thiết đảm bảo an ninh, không để tái diễn những hành vi quá khích, đập phá, hủy hoại tài sản của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt không để kẻ xấu lợi dụng kích động, gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm kêu gọi người dân, công nhân không nghe theo lời lôi kéo, bởi điều đó không thể hiện đúng bản chất của người Việt Nam, thiếu đi sự chính nghĩa của người dân Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động này.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Thanh xác nhận, sáng 14/5, khoảng 40 người lao động mang theo băng rôn, biểu ngữ phản đối Trung Quốc diễu hành trên đường. Sau khi được tuyên truyền, giải thích họ đã tự giải tán. Hiện tượng này lặp lại trong chiều cùng ngày và cũng đã được giải tán. Tuy nhiên, một số người quá khích đã xô xát với lao động nước ngoài.
Bà Phạm Thị Xuân Liễu (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, cách khu kinh tế 20 km) cho biết, khoảng 18h ngày 14/5 bệnh viện tiếp nhận hơn 40 người bị thương chuyển đến từ khu công nghiệp Vũng Áng, cả người Việt Nam và Trung Quốc. Đa phần là các ca xây xát nhẹ, sơ cứu xong họ tự về. "Không có người tử vong cũng như bị thương nặng", bà Liễu nói và cho biết thêm một số người theo nguyện vọng cá nhân đã được chuyển lên tuyến trên.
Theo nguồn tin của VnExpress, thời điểm xảy ra sự việc, Bệnh viện đa khoa Kỳ Anh bị bao vây nên hầu hết các trường hợp bị thương tại Vũng Áng phải đưa thẳng lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Trong số này, có 2 ca phải mổ cấp cứu ngay trong đêm, một bị dập phổi, một gẫy xương đòn cánh tay. Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh được cho là đã tiếp nhận 105 bệnh nhân.
Khu kinh tế Vũng Áng diện tích hơn 22.700 ha được Chính phủ phê duyệt thành lập năm 2006, hiện có hơn 150 doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Trong số này, dự án trọng điểm là Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của tập đoàn Formosa (Đài Loan) có tổng mức đầu tư giai đoạn một gần 12 tỷ USD, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I có tổng mức đầu tư 1,56 tỷ USD…
Trong hàng vạn lao động đang làm việc tại khu kinh tế này, hơn 2.000 lao động là người Trung Quốc.
Nhóm phóng viên