Quân đội Myanmar tuần trước thông báo sẽ thi hành luật nghĩa vụ quân sự nhân dân, cho phép gọi nhập ngũ tất cả nam giới 18-35 tuổi và nữ giới 18-27 tuổi trong thời gian ít nhất hai năm. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh quân đội Myanmar chịu tổn thất từ đợt tấn công của các nhóm phiến quân.
Đại sứ quán Thái Lan ở Yangon, Myanmar, đang tiếp nhận hàng dài người xếp hàng chờ xin visa để rời khỏi đất nước. Theo AFP, khoảng 1.000-2.000 người hôm 16/2 xếp hàng quanh các con phố gần sứ quán Thái Lan. Trước khi có thông báo thực hiện lệnh gọi nhập ngũ, chỉ có khoảng 100 người chờ xin visa tại đây.
Sinh viên Aung Phyo, 20 tuổi, nói rằng anh đã tới sứ quán Thái Lan từ 20h hôm 15/2 và ngủ trong xe để chờ xếp hàng từ nửa đêm.
"Chúng tôi phải chờ suốt ba tiếng và khi cảnh sát mở cổng an ninh vào khoảng 3h, chúng tôi phải lao tới phía sứ quán để lấy số xếp hàng", Phyo nói.
Luật nghĩa vụ quân sự ở Myanmar được ban hành từ năm 2010 nhưng chưa từng được áp dụng và không rõ chính quyền quân sự sẽ thực thi ra sao. Chưa có thông tin về việc những người được gọi nhập ngũ sẽ phải làm gì, nhưng nhiều người trẻ Myanmar không muốn chờ đợi thêm.
"Tôi sẽ tới Bangkok với visa du lịch và hy vọng ở lại đó một thời gian. Tôi chưa quyết sẽ đi học hay đi làm. Tôi chỉ muốn rời khỏi đây", Phyo nói.
Kaung Kaung, 22 tuổi, cho biết toàn bộ khách sạn gần đại sứ quán Thái Lan đều chật kín phòng với khách hàng là những người muốn xin visa. Kaung cũng xếp hàng từ 2h chờ tới lượt.
"Khi cổng an ninh mở, chúng tôi chạy như marathon. Tất cả những gì tôi nghĩ khi đó là giành được chỗ trước cổng và chạy nhanh nhất có thể", Kaung kể lại.
Khi thông tin về chế độ nghĩa vụ quân sự chưa rõ ràng, nhiều người trẻ trong diện có thể gọi nhập ngũ chỉ thấy thêm lo lắng.
"Tôi đã sốc khi nghe về luật gọi nhập ngũ. Tôi hỏi khắp nơi xem đó là sự thật hay chỉ là tin đồn. Khi xác nhận đó là sự thật, hầu hết chúng tôi đều sợ hãi", sinh viên War War, 20 tuổi, nói.
Zaw Myo, 25 tuổi, cho rằng việc áp dụng luật nghĩa vụ quân sự mới có thể khiến tình hình đất nước thêm ảm đạm. "Hầu hết công ty, nhà hàng, cơ sở kinh doanh đều do người trẻ điều hành. Nếu trong nước không còn người trẻ, hầu hết doanh nghiệp sẽ đóng cửa", Myo nói.
Lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun tuần trước nói rằng thực thi nghĩa vụ quân sự là cần thiết trong thời điểm này, khi quân đội đang đối đầu các nhóm nổi dậy vũ trang.
Tướng Zaw Min Tun nói khoảng 13 triệu người Myanmar sẽ đủ tiêu chuẩn gọi nhập ngũ, dù quân đội nước này chỉ có khả năng huấn luyện khoảng 50.000 người mỗi năm.
Chính quyền quân sự Myanmar đang phải đối mặt thử thách lớn nhất từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021. Các nhóm phiến quân từ cuối năm ngoái tăng tấn công quân đội Myanmar và đã kiểm soát nhiều thị trấn cùng căn cứ quân sự, trong đó những địa điểm gần biên giới với Trung Quốc.
Tình hình xung đột gần đây dịu đi sau khi quân đội Myanmar và Liên minh Huynh đệ gồm ba nhóm vũ trang ở miền bắc tháng trước thông báo ngừng bắn theo thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian.
Ngọc Ánh (Theo AFP)