Chủ nhật, 19/1/2025
Thứ bảy, 28/10/2023, 20:00 (GMT+7)

Hàng nghìn người tham gia ngày hội mùa nước nổi

An GiangHàng nghìn người dân, du khách dự ngày hội mùa nước nổi đặc trưng vùng sông nước miền Tây với các trò chơi dân gian, rộn vang một góc quê thuộc huyện Châu Phú.

Lần đầu tiên tổ chức ngày hội, Châu Phú chọn cánh đồng xả lũ, ven đường tỉnh 945. Hai bên đường là cánh đồng mênh mông nước, sâu khoảng một mét.

Huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, nằm phía hữu ngạn sông Hậu, cách TP HCM khoảng 200 km. Huyện có dân số gần 250.000 người, chủ yếu sống bằng nghề nông. Đồng ruộng nơi đây khá màu mỡ do được phù sa bồi đắp.

Ngày hội diễn ra trong hai ngày với hoạt động thi tài trang trí bè nổi bằng các vật dụng thân thuộc như thân chuối, tre; kết hoa, chim muôn bằng tàu lá dừa vào chiều 27/10.

Mùa nước nổi là nét đặc trưng của miền Tây. Nước về giúp đồng ruộng vệ sinh, bồi đắp phù sa, diệt trừ cỏ dại, chuột... Nước cũng mang về các sản vật như cá linh, cua đồng, lươn, rắn, bông súng, bông điên điển. Mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, tức tháng 8-11 dương lịch.

Sáng 28/10, mở màn là giải đua xuồng với một người bơi tay và một người dùng sào tre chống xuồng, cự ly một km. Hình thức đua mang nét đặc trưng mùa nước nổi, khi người dân dùng xuồng di chuyển, đánh bắt cá tôm trên cánh đồng lũ.

Các vận động viên bơi xuồng nghiệp dư là những ngư dân thường xuyên đánh bắt đặc sản mùa lũ trên đồng. Họ miết tay bơi, tay chóng để cạnh tranh với những xuồng xã bạn.

Khán giả cổ vũ trên các bè nổi, sau đó tranh thủ tắm, nô đùa với nhau.

Trò chơi bắt vịt. Ban tổ chức chuẩn bị 50 con, mỗi lần thả 10 con với 30 người tham gia. Trò chơi dân gian nhận được nhiều tiếng cười, hò reo của người xem.

Người chơi khoe chiến lợi phẩm sau màn đuổi bắt vịt.

Trò chơi đi cầu tre được thoa mỡ bò lên thân tre để tăng độ khó. Người thắng cuộc được thưởng phần quà nho nhỏ từ ban tổ chức.

Tham gia hầu hết các trò chơi chị Mai, xã Thạnh Mỹ Tây, tranh được ba con vịt trong trò chơi bắt vịt. "Một con nấu cháo, một con làm mồi cho chồng nhậu con còn lại tôi biếu mẹ", chị cho biết.

Mong muốn ngày hội duy trì hàng năm người phụ nữ miền Tây chia sẻ ngày hội giúp người dân dù ở bất cứ độ tuổi nào có được một ngày vui chơi và giới thiệu được nét đẹp quê mình với du khách gần xa.

Khán giả liên tục cổ vũ cho người chơi.

Ông Nguyễn Văn Bé Tám - phó chủ tịch UBND huyện Châu Phú - cho biết những năm gần đây việc làm lúa ba vụ, nước thượng nguồn về trễ và thấp khiến hình ảnh mùa nước nổi không còn như trước.

Theo ông, trong thời gian lũ về dù không thể làm lúa song vào mùa nước nổi người dân tranh thủ bắt cá tôm trên đồng vốn hình ảnh thân thương, đặc trưng của quê hương miền Tây.

"Chúng tôi muốn quảng bá hình ảnh miền Tây thông qua ngày hội mùa nước nổi đồng thời thúc đẩy phong trào rèn luyện thể thao, nâng cao sức khoẻ trong nhân dân", ông Tám cho biết.

Chị Nguyễn Thái Ngọc, 61 tuổi, ngụ TP Châu Đốc rủ người chị chung xóm mặc áo bà ba truyền thống, đến ngày hội từ sáng sớm. Chị kể rất hào hứng với những hoạt động của ngày hội vì chúng gần gũi, tạo sự tham gia của đông đảo người dân.

"Chúng tôi như sống lại ký ức tuổi thơ được ra cánh đồng mùa nước nổi vui đùa cùng chúng bạn", chị Ngọc nói.

Ngọc Tài

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net