"Đã tới lúc chúng tôi ra tay để bảo vệ nền quân chủ yêu dấu của mình", Bin Bunleurit, một cựu diễn viên đang làm tình nguyện viên cứu hộ, cho biết. "Mọi người có quyền bênh vực cho bất cứ thay đổi nào họ muốn, nhưng lý do họ đòi cải cách chế độ quân chủ là gì?".
Cuộc tuần hành ủng hộ hoàng gia Thái Lan lớn nhất từ trước tới nay được tổ chức trong bối cảnh biểu tình đòi cải tổ chế độ quân chủ và giải tán chính phủ diễn ra trong nhiều tháng. Hoàng gia Thái Lan chưa bình luận từ khi các cuộc biểu tình nổ ra hồi giữa tháng 7.
Phe biểu tình cho rằng quyền lực của Quốc vương Maha Vajiralongkorn quá lớn, đồng thời muốn đảo ngược các quyết định cho phép ông kiểm soát một số đơn vị quân đội và tài sản hoàng gia trị giá hàng chục tỷ USD.
Người biểu tình cho biết việc Quốc vương Vajiralongkorn ở lại Đức trong thời gian dài là "lãng phí" và chế độ quân chủ tạo điều kiện cho quân đội "thống trị hàng thập kỷ" khi chấp nhận các cuộc đảo chính.
Các cuộc biểu tình do sinh viên và thanh niên Thái Lan khởi xướng ban đầu đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, song sau đó chuyển sang yêu cầu cải tổ nền quân chủ và trở thành thách thức lớn nhất với hoàng gia Thái Lan kể từ khi nước này bãi bỏ chế độ quân chủ tập quyền năm 1932.
Tuần hành ủng hộ hoàng gia Thái Lan hôm nay thu hút hàng chục nghìn người tham gia, gấp nhiều lần số người mà phe bảo hoàng tập hợp trước đó. Thành viên lực lượng an ninh tháp tùng cũng được lệnh mặc đồ màu vàng, màu sắc đại diện cho Quốc vương Thái Lan.
Suwit Thongprasert, một nhà sư đã hoàn tục và lãnh đạo phe bảo hoàng, hoan nghênh quy mô của cuộc tuần hành. "Đây thông điệp 'hãy nghĩ tới người dân' gửi tới những ai muốn xóa bỏ chế độ quân chủ", Suwit Thongprasert nói.
Chính phủ Thủ tướng Prayuth hồi tháng 10 cấm tổ chức biểu tình và lệnh bắt nhiều lãnh đạo. Tuy nhiên, các biện pháp khẩn cấp bị bãi bỏ khi chúng phản tác dụng khi khiến thêm nhiều người biểu tình tràn ra đường phố Bangkok.
Thủ tướng Prayuth tuyên bố không từ chức và bác cáo buộc cho rằng cuộc bầu cử năm 2019 được lên kế hoạch phục vụ lợi ích của ông.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)