Thứ sáu, 20/12/2024
Chủ nhật, 6/10/2024, 11:40 (GMT+7)

Hàng nghìn người tái hiện hình ảnh Hà Nội ngày 10/10/1954

Cả nghìn người cùng hát Quốc ca tái hiện lễ chào cờ đầu tiên sau giải phóng và hân hoan đón đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954.

Sáng 6/10, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" (16/7/1999), UBND TP Hà Nội tổ chức chương trình Ngày hội Văn hóa vì hòa bình tại khu vực Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm.

Mở đầu là nghi lễ dâng hương tại tượng đài vua Lý Thái Tổ, tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng Thủ đô. Tiếp theo là lễ chào cờ, tái hiện buổi lễ chào cờ đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 10/10/1954, sau khi Thủ đô được giải phóng.

Khoảng 10.000 đại biểu tham dự và hát Quốc ca thể hiện lòng tự hào dân tộc và khát vọng hòa bình.

Ngày hội Văn hóa vì hòa bình có sự giao lưu giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ và nhân dân đại diện cho 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Chương trình được chia làm ba phần chính: Ký ức Hà Nội; Dòng chảy di sản và Hà Nội: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo.

Trong phần một của ngày hội - Ký ức Hà Nội - Những ngày toàn quốc kháng chiến, nhóm diễn viên, quần chúng tái hiện những ngày khói lửa.

Sau cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hà Nội trở thành trung tâm chính trị của cả nước. Núp dưới danh nghĩa đồng minh có nhiệm vụ tước vũ khí của quân đội phát xít Nhật ở Đông Dương, đế quốc Anh và phản động Tưởng Giới Thạch kéo vào Việt Nam. Được quân Anh che chở và sau thỏa thuận với Tưởng Giới Thạch, quân Pháp quay trở lại xâm chiếm Việt Nam.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Từ 19/12/1946 đến 17/2/1947, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã chiến đấu bảo vệ Hà Nội với lực lượng, vũ khí và trang bị rất chênh lệch so với kẻ thù. Ảnh trên là các nghệ sĩ tái hiện 60 ngày đêm chiến đấu trong lòng Hà Nội.

Sau 60 ngày đêm cầm chân quân Pháp, Trung đoàn Thủ đô rút khỏi thành phố lên chiến khu. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, rất nhiều người mẹ đã chia tay con, người vợ chia tay chồng để lên đường làm nhiệm vụ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, đánh dấu sự kết thúc ách đô hộ của Pháp, ngày 10/10/1954 đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản Thủ đô. Đi đầu là đoàn xe chở tướng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, tiến vào cửa ô Cầu Giấy, một trong năm cửa ô Hà Nội.

Sau đoàn xe cơ giới, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn quân tiên phong tiến vào các tuyến phố trung tâm trong tiếng vỗ tay cổ vũ của người dân hai bên đường.

Những đóa hoa tươi của người dân tặng chiến sĩ vào tiếp quản Thủ đô. Hoa lay ơn, loại hoa quý thường dùng trong đám cưới, cắm dịp Tết, được sử dụng để tái hiện không khí ngày 10/10/1954.

Các mẹ, các chị mặc áo dài, ôm hoa vẫy chào đoàn quân. Hôm nay Hà Nội nắng 32 độ C, độ ẩm 40%, kiểu nắng hanh đặc trưng tiết thu.

Tái hiện đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô năm 1954
 
 

Người dân Hà Nội xem tái hiện đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô. Video: Văn Phú

Sau kháng chiến chống Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam do đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa cai trị.

Những năm 1965-1973, miền Bắc lại đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Hà Nội liên tục bị ném bom. Mỗi khi nghe tiếng phát thanh viên và tiếng còi báo động, ngay lập tức người dân Thủ đô sẽ chạy xuống hầm trú ẩn để tránh bom đạn. Thời điểm đó, những chiếc hầm trú ẩn nằm san sát nhau trên vỉa hè.

Trẻ em đội mũ rơm tránh bom đạn trên đường. Mũ rơm đi học là phong trào của học sinh miền Bắc, ra đời trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ. Hình ảnh chiếc mũ rơm gợi nhớ ký ức tuổi học trò những năm 1965-1972 đi học dưới ánh đèn dầu ban đêm và tiếng máy bay Mỹ gào rít trên đầu...

Sau màn tái hiện đến phần "Hà Nội, dòng chảy di sản", các đoàn bắt đầu diễu hành quanh Hồ Gươm, phô diễn nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian được UNESCO và quốc gia công nhận.

Các nghệ nhân ở làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống đã trình diễn di sản văn hóa phi vật thể cùng nghệ thuật dân gian như múa sênh tiền, múa Bài Bông, Ải Lao, múa rồng Giảo Long, chèo tàu Tổng Gối.

Ngày hội Văn hóa vì hòa bình là sự kiện văn hóa lớn của Hà Nội, được kỳ vọng tạo ra hiệu ứng đặc biệt, lan tỏa giá trị lịch sử và văn hóa của Thủ đô đến với cả nước và bạn bè quốc tế.

Thông qua sự kiện này, Hà Nội không chỉ khẳng định vị thế của thành phố lịch sử, văn hóa mà còn là trung tâm du lịch, kinh tế, chính trị quan trọng của cả nước. Việc tổ chức Ngày hội Văn hóa vì hòa bình cũng là một phần trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn với sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô hàng năm, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa và phát triển kinh tế bền vững cho Thủ đô.

Ngọc Thành - Võ Hải