Đám đông ủng hộ đảo chính ngày 3/8 tập trung ở trung tâm thủ đô Niamey của Niger, nhân kỷ niệm ngày độc lập của quốc gia Tây Phi này. Họ bày tỏ sự ủng hộ với lực lượng quân đội đã lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum, một số người vẫy cờ Nga và hô vang khẩu hiệu chống Pháp.
Cuộc tuần hành diễn ra hơn một tuần sau khi lực lượng cận vệ tổng thống Niger ngày 26/7 tiến hành đảo chính lật đổ ông Bazoum. Chỉ huy lực lượng cận vệ Abdourahamane Tiani sau đó được chọn làm lãnh đạo chính quyền quân sự.
Issiaka Hamadou, người tham gia cuộc tuần hành, nói rằng người dân Niger "chỉ quan tâm đến vấn đề an ninh", dù điều đó có thể được đảm bảo bởi "Nga, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ, nếu họ muốn giúp". Hamadou thêm rằng người dân Niger không muốn thấy sự hiện diện của Pháp ở quốc gia từng là thuộc địa này.
"Người Pháp đã cướp bóc của chúng tôi từ khi Niger giành độc lập năm 1960. Họ vẫn triển khai quân ở đây nhưng không có gì thay đổi cả", Hamadou nói. Đám đông xung quanh hô lớn "đả đảo Pháp", "nước Nga muôn năm, Vladimir Putin muôn năm".
Sau cuộc đảo chính, các công dân châu Âu đã được sơ tán khỏi Niger, quốc gia từng được xem đóng vai trò then chốt trong nỗ lực chống các nhóm nổi dậy Hồi giáo của Pháp và phương Tây ở vùng Sahel kể từ năm 2012.
Pháp hôm nay thông báo hoàn thành các chuyến bay sơ tán công dân, kêu gọi chính quyền quân sự của tướng Tiani "đảm bảo đầy đủ" an toàn cho các đại sứ quán ở Niamey trước những cuộc biểu tình.
Cũng trong ngày 3/8, tư lệnh quân sự các nước Tây Phi nhóm họp tại thủ đô Abuja của Nigeria để thảo luận về khả năng can thiệp quân sự ở Niger nếu đàm phán ngoại giao thất bại. Trước đó, phái đoàn của Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) do cựu lãnh đạo Nigeria Abdulsalami Abubakar đã tới Niger để đàm phán.
ECOWAS gồm 15 nước Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau đảo chính. Hai nước tuyên bố họ sẽ tuyên chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự.
Trong khi đó, lãnh đạo chính quyền quân sự Niger ngày 2/8 phản đối các lệnh trừng phạt quốc tế và tuyên bố sẽ không khuất phục trước những mối đe dọa.
Thanh Tâm (Theo AFP)