Theo Guardian ngày 22/10, hơn 13.500 người làm ngành sáng tạo như chuyên gia văn học, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu và truyền hình khắp thế giới ký vào tuyên bố phản đối việc khai thác trái phép tác phẩm của họ để đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI). Thư do cựu giám đốc điều hành công ty công nghệ Stability AI kiêm nhạc sĩ Anh - Ed Newton-Rex - công bố qua trang web Statement on AI training. Số người tham gia dự kiến tiếp tục tăng.
Bản kiến nghị nêu rõ: "Sử dụng trái phép các thành quả sáng tạo để huấn luyện AI là mối đe dọa lớn và bất công đối với kế sinh nhai của những người đứng sau tác phẩm đó. Không nên cho phép".
Ngoài các nghệ sĩ, danh sách có nhiều lãnh đạo, thành viên của những tổ chức, hiệp hội nghệ thuật như Liên đoàn Nhạc sĩ Mỹ, Hiệp hội diễn viên Mỹ SAG-AFTRA, Hội đồng Nhà văn châu Âu và Universal Music Group.
Hãng tin cho biết tuyên bố này xuất hiện trong bối cảnh các cuộc tranh chấp pháp lý giữa ngành sáng tạo và các công ty công nghệ như OpenAI đang diễn ra. Theo giới nghệ sĩ, việc dùng tác phẩm của họ để huấn luyện mô hình AI tạo sinh (dạng trí tuệ nhân tạo có thể tự sáng tạo nội dung, ý tưởng, hình ảnh) mà không có sự cho phép là vi phạm bản quyền.
Ed Newton-Rex từng là giám đốc âm thanh của hãng công nghệ Stability AI nhưng từ chức năm 2023 do bất đồng quan điểm về cách làm việc. Anh không đồng tình cách doanh nghiệp cho rằng việc lấy nội dung có bản quyền để huấn luyện AI mà không cần giấy phép là "sử dụng hợp lý" (fair use - thuật ngữ trong luật sở hữu trí tuệ Mỹ, cho phép mọi người dùng tác phẩm không cần sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền).
Theo anh, những người kiếm sống từ công việc sáng tạo "rất lo lắng" về tình hình hiện tại. Cựu giám đốc nhận định: "Các công ty cần có ba nguồn lực chính để xây dựng AI tạo sinh: Con người, khả năng tính toán và dữ liệu. Họ chi rất nhiều tiền cho hai yếu tố đầu tiên - đôi khi lên đến một triệu USD cho một kỹ sư và cả tỷ USD cho mỗi mô hình, nhưng lại muốn có nguồn đào tạo miễn phí".
Newton-Rex cũng nhận xét việc các nhà phát triển AI gọi tác phẩm gốc là "dữ liệu đào tạo" có thể làm đánh mất giá trị nhân văn của tác phẩm. "Điều chúng ta bàn về sáng tạo là những sáng tác, hội họa và âm nhạc của con người", anh bổ sung.
Không chỉ phản đối nhóm doanh nghiệp, Newton-Rex cảnh báo chính phủ Anh có thể gây hậu quả lớn nếu để công nghệ AI thu thập thành quả lao động của người làm công việc sáng tạo. Hôm 16/10, tờ Financial Times đưa tin các bộ trưởng của quốc gia này sẽ tham vấn đề xuất cho phép AI lấy tác phẩm từ nghệ sĩ và nhà xuất bản, trừ khi họ "từ chối" (opt-out). Newton-Rex nói phần đông nhà sáng tạo không biết chiến lược của những công ty công nghệ, nên dễ rơi vào thế bất lợi.
Anh phân tích: "Tôi từng điều hành các kế hoạch 'opt-out' của nhiều công ty AI. Ngay cả những chương trình tốt nhất, hầu hết nghệ sĩ bỏ lỡ cơ hội từ chối do không biết thông tin hoặc không nhận email thông báo. Hoàn toàn bất công khi đặt gánh nặng từ chối đào tạo AI lên vai những người có tác phẩm bị trưng dụng. Nếu chính phủ thực sự nghĩ đây là điều tốt cho lĩnh vực sáng tạo thì họ cũng nên tạo phương thức giúp những người muốn tham gia có thể tự nguyện đăng ký".
Làn sóng phản đối AI trong ngành sáng tạo cũng diễn ra tại các quốc gia khác như Mỹ và Trung Quốc.
Tháng 9/2023, Hiệp hội Nhà văn đệ đơn lên tòa án liên bang New York, kiện đơn vị phát triển ChatGPT của OpenAI có hành vi "ăn cắp nội dung" trên diện rộng. Có 17 người tham gia gồm tác giả Hãng Luật John Grisham, tiểu thuyết gia Jodi Picoult và biên kịch Game of Thrones George RR Martin. Một trong những sai phạm của công cụ này là tạo ra tiền truyện của A Game of Thrones - quyển đầu tiên trong series A Song of Ice and Fire của George RR Martin - dựa trên hệ thống nhân vật và tình tiết có sẵn, đặt tên là A Dawn of Direwolves.
Trong lĩnh vực giải trí, một số người nổi tiếng phản đối các hãng công nghệ dùng hình ảnh, giọng nói của họ cho các trình tạo ảnh, âm thanh. Tháng 5, diễn viên Scarlett Johansson dọa kiện OpenAI sao chép giọng cô cho trợ lý ảo Sky trong mô hình GPT-4o, dù trước đó đã từ chối. Trên Instagram tháng 8, tài tử Tom Hanks đăng bài cảnh báo fan không được tin quảng cáo thần dược gắn với hình ảnh và giọng nói của ông trên Internet, nhấn mạnh đó là sản phẩm AI.
Tháng 6, ba hãng thu âm lớn như Sony Music, Universal Music Group và Warner Music Group nộp đơn kiện hai nền tảng sáng tạc nhạc bằng AI - Suno và Udio - lần lượt tại các tòa án ở Massachusetts và New York. Họ cáo buộc hai đơn vị này dùng hơn 1.000 bản thu âm làm nguồn dữ liệu đào tạo, yêu cầu bồi thường 150.000 USD cho mỗi ca khúc bị sao chép. Họ lo ngại công nghệ này sẽ tạo ra nhiều nhạc phẩm "cạnh tranh trực tiếp, làm giảm giá thành và lấn át" các nghệ sĩ chân chính.
Ở Trung Quốc vào tháng 8/2023, nhiều họa sĩ tẩy chay Xiaohongshu - một trong những mạng xã hội lớn nhất nước - do công cụ tạo ảnh Trik AI trên nền tảng này âm thầm thu thập tranh của họ để dạy trí tuệ nhân tạo, theo CNN. Sự việc bắt đầu khi một tài khoản vẽ minh họa tên Snow Fish phát hiện sản phẩm do Trik AI thực hiện tương đồng phong cách của mình từ thủ pháp dùng cọ, phối màu đến bối cảnh thiên nhiên.
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là công nghệ mô phỏng tư duy, hành vi của con người, được lập trình để tối ưu hóa chức năng của máy móc. Thuật ngữ do nhà khoa học máy tính John McCarthy (1927-2011) sáng tạo và lần đầu sử dụng tại hội nghị khoa học Dartmouth năm 1956. Những năm gần đây, AI được áp dụng trong nhiều lĩnh vực để tiết kiệm thời gian và chi phí, kể cả ngành giải trí. Tuy nhiên, sự phát triển của kỹ thuật này bị đánh giá là đe dọa đến những người làm công việc hậu kỳ ở Hollywood do có khả năng bị cắt giảm nhân sự, theo Hollywood Reporter.
Phương Thảo (theo Guardian, CNN)