Chiều 16/1, tại luồng nhập cảnh của Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) đóng tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, hàng trăm lao động Việt Nam vừa trở về từ Lào, Thái Lan tập trung theo nhóm tại các lán đón tiếp. Các lao động đều đeo khẩu trang, đứng xếp hàng nghe nhà chức trách phổ biến quy định; hành lý xếp lại một chỗ giữa khu đất trống để phun khử trùng.
Họ được nhà chức trách kiểm tra y tế, sau đó lên xe buýt về khu cách ly tập trung của tỉnh. Người về nước đợt này chủ yếu là đàn ông trung niên và thanh niên, ngoài ra còn có một số cụ già cùng hàng chục phục nữ bồng theo con nhỏ.
Trong lúc chờ đến lượt gọi tên làm thủ tục kiểm tra y tế, ông Trần Văn Bé (56 tuổi, trú Nghệ An) tranh thủ gọi điện tâm sự với người thân. Ông Bé làm thợ xây tại Lào được bảy năm. Khi Covid-19 chưa bùng phát, hàng năm ông về quê thăm vợ con khoảng ba lần. Đầu năm 2020 đến nay, ông Bé sang lại Lào làm việc và "mắc kẹt" tại đây, nay mới có dịp về lại.
Theo ông Bé, các năm trước thường "tranh thủ ở lại làm cật lực trong dịp cuối năm để kiếm thêm tiền đưa về cho vợ sắm Tết, song thời gian gần đây lao động thời vụ ở Lào thu nhập bấp bênh, không ổn định" nên ông quyết định về nước đón Tết sớm.
Trước khi về, lao động báo qua Đại sứ quán Việt Nam tại Lào để được sắp xếp. "Có hai hình thức là đăng ký trực tiếp hoặc qua mạng, sau 3 đến 4 ngày sẽ nhận được thông báo lịch về", ông Bé cho hay.
Sáng 16/1, ông Bé cùng hàng chục đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh bắt xe khách từ Vientiane (Lào) về đến cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn. Theo ông, trước kia giá vé chỉ hơn 500.000 đồng một người, nay tăng lên gần 2 triệu đồng. "Dù giá vé cao nhưng tôi vẫn quyết về. Sau khi hết hạn cách ly thì còn thời gian nghỉ ngơi khoảng 10 ngày để cùng với gia đình chuẩn bị Tết", ông Bé nói rồi bước lên xe buýt đi cách ly tập trung.
Thực hiện cách ly tập trung cùng hơn 300 người khác tại tòa nhà cổng B, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn) được bảy ngày, anh Phan Thành Nhân (25 tuổi, trú xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn) nói hôm về nước đến nay được cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV một lần, kết quả âm tính. Lúc hết hạn phải lấy mẫu thêm một lần nữa để được công nhận đạt yêu cầu.
Một tuần sau khi trở về Việt Nam, anh Nhân chia sẻ tâm lý thoải mái, nhưng rất nóng lòng muốn được gặp bố mẹ, vì đã bảy tháng nay chỉ được trò chuyện với họ qua mạng xã hội chứ không thể tiếp xúc trực tiếp. Lương mỗi tháng 8 triệu đồng, nếu dịp cuối năm làm tăng ca có thể thu về hơn 10 triệu đồng, song anh Nhân bảo "nếu cố gắng ở lại thì mất Tết, làm ăn cả năm rồi, giờ là lúc để trở về để cùng cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đón năm mới cho chu tất".
"Từ nước ngoài về Việt Nam vào đầu tháng 12 âm lịch là hợp lý nhất, khi hết hạn cách ly chỉ còn cách Tết khoảng hai tuần. Nếu trở về từ ngày 20-25/12 âm lịch, tính cả thời gian hai tuần cách ly nữa thì đã qua Tết", anh Nhân nói.
Theo anh Nhân, đa phần lao động đều có tâm lý hồi hương sớm, song vẫn có một số người vì thu nhập bấp bênh nên chỉ gửi ít tiền về cho người thân rồi ở lại Lào làm tăng ca.
Thiếu tá Trần Văn Sông, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), cho biết từ đầu tháng một, mỗi ngày có hơn 200 người nhập cảnh qua cửa khẩu Cầu Treo, tất cả được kiểm tra y tế và đưa về cách khu cách ly tập trung của tỉnh theo dõi sức khỏe 14 ngày.
"Đơn vị lập 8 điểm chốt (mỗi chốt 10 người) tại khu vực biên giới và hai bên cánh gà cửa khẩu Cầu Treo nhằm ngăn chặn, xử lý các trường hợp vượt biên trốn cách ly", thiếu tá Sông nói và cho hay thời điểm này chưa phát hiện lao động nào từ nước ngoài về qua cửa khẩu Cầu Treo có triệu chứng nhiễm nCoV.
Từ ngày 1-16/1, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã tiếp nhận và cách ly gần 1.600 người nhập cảnh qua cửa khẩu Cầu Treo.